Cô Phạm Thị Thu Phương - giáo viên Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) bày tỏ: Thực tế các tiết học lịch sử truyền thống được học sinh đón nhận và yêu thích. Minh chứng là các em tự tìm hiểu, thực hành về truyền thống lịch sử luôn vượt qua mong muốn yêu cầu của giáo viên.
Có những học sinh sau tìm hiểu, thuyết trình các vấn đề truyền thống, lịch sử như biến thành hướng dẫn viên du lịch thực thụ. Không chỉ tìm hiểu, tăng cường kiến thức mà còn thể hiện sự tự hào, trân trọng khi thuyết trình lịch sử trước bạn bè, thầy cô.
Tuy nhiên, theo cô Phương, trong dạy học lịch sử truyền thống còn những khó khăn như nặng về trang bị kiến thức cho thi cử cuối năm, tốt nghiệp. Cùng đó, các kiến thức lịch sử địa phương thường ít tài liệu để đưa vào bài giảng, dẫn tới nhàm chán.
Bên cạnh việc bảo đảm nội dung chương trình khung bắt buộc đối với các môn học chính thức thì trong chương trình GDPT có nhiều nội dung cần lồng ghép, tích hợp. Do đó không còn nhiều thời gian để đưa nội dung giáo dục truyền thống.
Với hoạt động trải nghiệm, phải đến tận nơi cảm nhận không khí “nóng hổi” mang hơi thở của đời sống thực tiễn, nhưng kinh phí hạn hẹp, khó khăn chung không thể đưa học sinh đi nhiều nơi. Trong khuôn viên nhà trường cũng chật hẹp khó bố trí không gian cho tiết học trải nghiệm…
Do học sinh tiểu học chưa hiểu được vấn đề quá lớn lao, dễ quên… nên việc khai thác, lồng ghép giảng dạy truyền thống, lịch sử thường phải đổi mới phương pháp, chọn ra vấn đề căn cốt dễ hiểu, nhẹ nhàng, phù hợp với lứa tuổi.
Để bài giảng sinh động, việc áp dụng PowerPoint vào giảng dạy sẽ tăng cường sự thu hút với học sinh. Chia sẻ điều này, cô Nguyễn Thị Loan - giáo viên Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân, Hà Nội) bày tỏ: Giáo viên cần đầu tư thời gian cho bài giảng để sưu tầm được những hình ảnh đặc sắc, ấn tượng, thông tin thực tế phong phú liên quan đến vấn đề lịch sử, tránh cứng nhắc. Ví như kiến thức liên quan đến Giỗ tổ Hùng Vương có thể cho học sinh tìm hiểu về trang phục, lễ hội gói, nấu bánh chưng, giã bánh giầy… không nên chỉ ghi chép đơn thuần. Có như vậy, kiến thức truyền thống, lịch sử sẽ đến với học sinh tự nhiên, dễ nhớ.
Ở góc độ khác, thầy Phan Trọng Đức - Hiệu trưởng Trường THPT Tam Nông (Phú Thọ) nhìn nhận: Giáo dục truyền thống không chỉ là những bài giảng nằm trong sách vở. Mỗi bài học không khô khan cứng nhắc và thu được hiệu quả tích cực phụ thuộc không nhỏ vào cách tổ chức thực hiện trong mỗi nhà trường và giáo viên.
Trường THPT Tam Nông luôn đòi hỏi giáo viên xây dựng kế hoạch giáo dục truyền thống được lồng ghép cụ thể, đưa vào quy chế chuyên môn và triển khai đồng bộ trong tất cả hoạt động giáo dục, có cơ chế kiểm tra đánh giá việc thực hiện và khen thưởng, khích lệ kịp thời.
Đối với giáo viên, trường yêu cầu ngoài việc cung cấp kiến thức văn hóa, truyền thống cho học sinh, thông qua đó coi trọng và đặt lên hàng đầu nhiệm vụ giáo dục đạo đức. Không thể giao phó nhiệm vụ ấy cho riêng một môn học nào, cần có sự kết hợp chặt chẽ, tích hợp liên môn hướng tới mục đích chung cuối cùng là giáo dưỡng, giáo dục và phát triển toàn diện nhân cách học sinh…