Về quy trình xem xét, quyết định kéo dài thời gian làm việc, dự thảo nêu 6 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định, giảng viên có nguyện vọng đăng ký và nộp hồ sơ cho cơ sở giáo dục đại học để được xem xét kéo dài thời gian làm việc; cơ sở giáo dục đại học quyết định việc kéo dài thời gian làm việc căn cứ theo nhu cầu của cơ sở và thông báo cho giảng viên 3 tháng trước khi đến thời điểm nghỉ hưu theo quy định.
Chính sách đối với giảng viên trong thời gian làm việc kéo dài được xác định là giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học, được hưởng lương và các chính sách, chế độ khác theo quy định đối với giảng viên; được đề nghị nghỉ hưu theo quy định nếu có nhu cầu.
Việc Bộ GD&ĐT đưa ra đề xuất trên được dựa trên quy định về tuổi nghỉ hưu tại Điều 169 Luật Lao động 2019. Trong đó có ghi rõ “Người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi ... tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Nhưng quy định tại Điều 56 Luật Giáo dục Đại học chỉ ghi giảng viên có thể kéo dài thời gian làm việc kể từ khi đủ tuổi nghỉ hưu, không ghi thời gian chi tiết.
Vì vậy, để bảo đảm phù hợp với Luật Lao động 2019, quy định tại dự thảo không quy định cụ thể thời gian kéo dài và giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định thời gian căn cứ theo Điều 169 của Luật lao động và Nghị định 35/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 quy định tuổi nghỉ hưu.