Học viên xoá mù ở xã Thiện Hòa 100% dân tộc thiểu số. Trong 58 học viên có 26 người dân tộc Dao, 32 người dân tộc Nùng.
“Sau một thời gian học, học viên biết chữ, sử dụng điện thoại, đọc thông tin hướng dẫn chăn nuôi trồng trọt. Nhiều học viên chia sẻ sau khi biết đọc, viết họ rất tự hào, thậm chí còn có thể trao đổi, tranh luận cùng con với những vấn đề của cuộc sống hoặc bài học”, thầy Hoàng Văn Kiều cho biết.
Theo thầy Hoàng Văn Kiều:
“Trước khi vào học, nhà trường xây dựng kiểm tra khảo sát lần 1. Quá trình học tập, học viên có 4 bài kiểm tra định kỳ và 1 bài kiểm tra đánh giá kết quả cuối kì học”.
Nâng cao chất lượng xoá mù chữ
Bình Gia (Lạng Sơn) là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Lạng Sơn. Các xã có tỉ lệ người mù chữ cao. Do đó trước khi mở lớp, Phòng GD&ĐT huyện Bình Gia đã thực hiện rà soát lại danh sách người mù chữ trên địa bàn huyện trong độ tuổi 15 đến 60 tuổi để có kế hoạch huy động học viên ra lớp.
Đồng thời, Phòng cũng yêu cầu tổ chức các lớp học xoá mù linh hoạt, căn cứ vào tình hình cụ thể của người học và địa phương nhằm tổ chức lớp và xây dựng chương trình dạy học thực hiện theo Thông tư số 33/2021/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về Ban hành Chương trình xoá mù chữ.
Năm học 2023, toàn huyện Bình Gia (tỉnh Lạng Sơn) có 129 học viên tham gia các lớp xoá mù chữ. Phòng GD&ĐT đã tổ chức 11 lớp tại bốn xã. Trong đó, xã Thiện Hoà 3 lớp; xã Yên Lỗ 3 lớp; xã Quý Hoà 3 lớp và xã Hồng Phong 2 lớp. Các lớp sẽ học từ thứ 2 đến thứ 7.
Không chỉ phối hợp chặt chẽ với các trường học trên địa bàn tổ chức lớp xoá mù chữ, phòng GD&ĐT còn kết với trung tâm học tập cộng đồng 19/19 xã, thị trấn để vận động, tổ chức lớp. Các Trung tâm học tập cộng đồng sẽ được tham gia tập huấn, hướng dẫn sử dụng trang thông tin điện tử, lưu trữ cơ sở dữ liệu xoá mù chữ do Sở GD&ĐT tổ chức.