Thời điểm này, giáo viên và học sinh ở các trường vùng cao Thái Nguyên đang gấp rút sửa sang lại lớp học sẵn sàng cho một năm học mới.
Nâng cao tỷ lệ huy động trẻ ra lớp
Ngay sau khi kết thúc năm học, phòng Giáo dục và đào tạo huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo các nhà trường tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyển sinh, phối hợp vận động các gia đình cho con đi học đúng độ tuổi. Năm học này, toàn huyện có 11.946 học sinh, trong đó có 1.225 cháu huy động vào lớp 1 và 1.444 em vào lớp 6, tỷ lệ huy động đạt 100%.
Năm học 2024 - 2025, trường Mầm non Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên có 144 học sinh với 10 nhóm lớp. Ngay từ đầu tháng 8/2024, nhà trường đã bắt tay vào cải tạo, sửa chữa trường lớp, trang trí bảng biển, bố trí giáo viên đứng lớp, đồng thời phun thuốc diệt muỗi, khử khuẩn toàn bộ lớp học, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của học sinh.
Cô Hầu Thị Chỉnh, Hiệu trưởng trường Mầm non Thần Sa, xã Thần Sa, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Là địa bàn vùng cao, đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ người DTTS cao do đó công tác vận động và huy động trẻ tới trường cũng gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục tình trạng đó, trường đã triển khai đa dạng các phương thức nhằm nâng cao tỷ lệ trẻ tới lớp. Ở những bản vùng sâu, vùng xa, các thầy cô giáo phải lặn lội đến từng nhà dân vận động học sinh đến trường. Đồng thời, trường cũng phối hợp với chính quyền địa phương, các bản trong việc huy động trẻ ra lớp.
Đặc biệt, năm học này, trẻ em mầm non đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non công lập thuộc tỉnh Thái Nguyên quản lý sẽ được hưởng hỗ trợ 100% học phí với mức thu được quy định như sau: Trẻ nhà trẻ tại các thành phố là 140.000 đồng/tháng/học sinh; tại các thị trấn trung tâm các huyện; các xã, thị trấn không phải xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 75.000 đồng/tháng/học sinh và các khu vực khác là 40.000 đồng/tháng/học sinh.
Trẻ mẫu giáo tại các thành phố là 110.000 đồng/tháng/học sinh; tại các thị trấn trung tâm các huyện; các xã, thị trấn không phải xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi là 50.000 đồng/tháng/học sinh và 25.000 đồng/tháng/học sinh ở các xã, thị trấn còn lại.
Chính sách hỗ trợ học phí của tỉnh là một trong những nguồn động viên khích lệ lớn góp phần tăng tỷ lệ huy động trẻ tới trường - cô giáo Hầu Thị Chỉnh cho hay.
Ngoài ra, để chuẩn bị chu đáo các bữa ăn bán trú tại trường cho học sinh, nhà trường đã ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp lương thực, thực phẩm, đồng thời quản lý chặt chẽ các khẩu để bữa ăn cho học sinh đầy đủ dinh dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Tăng cường cơ sở vật chất
Để chuẩn bị tốt cho năm học mới, các cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện Võ Nhai đã tích cực bắt tay vào dọn dẹp trường lớp, phòng học, chỉnh trang bàn ghế; trồng mới và cắt tỉa hoa, cây xanh, vệ sinh sân trường và khu vực xung quanh cổng trường…
Đồng thời, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các nhà trường tập trung rà soát toàn bộ điều kiện phục vụ dạy học để kịp thời sửa chữa lớp học, mua sắm các trang thiết bị dạy học, đảm bảo đủ định mức theo quy định.
“Trong dịp hè vừa qua, toàn huyện đã tổ chức sửa chữa nâng cấp cơ sở vật chất cho 5 trường từ các nguồn như: chương trình quốc gia nông thôn mới, chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, nguồn sự nghiệp giáo dục, xã hội hóa giáo dục với tổng kinh phí 22,390 tỷ đồng. Ngoài ra, phòng đã tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng về đổi mới giáo dục cho toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán các trường.
Phòng GD&ĐT cũng cử giáo viên cốt cán dự các lớp bồi dưỡng chuyên môn trong dịp hè do Sở GD& ĐT tổ chức. Với tinh thần đổi mới tích cực, ngành Giáo dục & Đào tạo Võ Nhai quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2024-2025” - ông Nguyễn Văn Mùi, Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Võ Nhai cho biết.
Với sự chủ động, tích cực trong công tác chuẩn bị, thầy và trò các trường vùng cao đã và đang tự tin bước vào năm học mới 2024 - 2025 với tinh thần quyết tâm thi đua “Dạy tốt, học tốt”.