"Khi dạy thì cùng một lúc phải đảm bảo việc tương tác với học trò tại lớp, lại vừa phải vào máy tính trao đổi với học trò ở nhà, tuy là 1 lớp nhưng khối lượng làm việc như 2 lớp. Giờ ra chơi hay buổi tối thì vừa tiếp tục gửi thêm video bài học và hướng dẫn thêm cho học sinh nghỉ ở nhà" - cô Hoa chia sẻ.
Với trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Đồng Hỷ, không những phải đảm bảo việc dạy học, nhà trường còn phải lo toan nhiều hơn đến việc ăn ở, sinh hoạt cho các em nhằm đảm bảo an toàn.
Nỗ lực hết mình để vượt qua giai đoạn dịch bệnh một cách an toàn, cán bộ giáo viên nhà trường tự nguyện nhận thêm nhiều “nhiệm vụ”, từ việc nhận và chuyển đồ mà gia đình gửi cho các con, đến việc giám sát hỗ trợ trong các bữa ăn, kiểm tra sức khỏe thường ngày...
“Giáo viên nhà trường vừa giảng dạy, vừa là người nhà, vừa là y tá bác sĩ nắm bắt tình hình sức khỏe học trò, nhiều khi kiêm nhà tư vấn tâm lí luôn. Trong bối cảnh này, không chỉ dạy học, mà việc giúp các em có được tâm thế học cũng hết sức quan trọng” - thầy giáo Nguyễn Đức Lợi, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.
Tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng (Đồng Hỷ), giáo viên cũng đang bận rộn hơn lúc nào hết. Do học trò còn nhỏ, các thầy cô ở đây phải chăm chút từ việc sinh hoạt cá nhân cho đến những kiến thức, kĩ năng phòng dịch an toàn.
Việc trao đổi hằng ngày với từng phụ huynh chiếm mất nhiều thời gian, đòi hỏi phải thực sự tỉ mỉ, kiên trì, nhưng nhờ đó đã giúp giáo viên nắm bắt thông tin sức khỏe học sinh, đưa ra tư vấn và điều chỉnh cần thiết, kịp thời.
“Từ phòng học cho đến phòng ăn, phòng ngủ, thầy cô phải có mặt trong mọi tình huống để hỗ trợ các em. Bận rộn, vất vả nhưng mọi người đều chỉ nghĩ đến sự an toàn sức khỏe cho học sinh” - cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng nhà trường bày tỏ.
Trong những ngày dịch phức tạp, nhằm hướng tới sự thích ứng để duy trì dạy học, giáo viên sẵn sàng kiêm nhiều "vai". Trong bối cảnh đó, rất cần sự thấu hiểu, đồng hành, phối hợp chặt chẽ từ phía gia đình học sinh, để các em được an toàn, yên tâm học tập.