Đề thi đã có sự phân hoá
Thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu, giáo viên môn Ngữ Văn, hệ song bằng tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị, Hà Nội cho biết, đề thi có cấu trúc chuẩn so với đề thi minh họa mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố trước đó.
Thạc sĩ Lê Trần Diệu Thu, giáo viên môn Ngữ Văn, hệ song bằng tại Trường Cao đẳng Xây dựng Công trình Đô thị, Hà Nội. Ảnh: NVCC
Về hình thức, đề thi gồm 2 phần, phần Đọc hiểu chiếm 3 điểm và phần Làm văn chiếm 7 điểm. Đối với phần Đọc hiểu, ở câu 1 và câu 2, học sinh dễ dàng xác định được thể thơ Tự do và chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh miêu tả cơn giông mùa hè trong ba câu thơ được trích dẫn.
Câu 3 và câu 4 mức độ khó tăng dần, yêu cầu học sinh xác định biện pháp tu từ, nêu tác dụng và phải liên hệ được với bản thân. Cô Thu cho rằng phần này có mức độ tương đối dễ, học sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tối đa.
Đối với phần Làm văn, câu nghị luận xã hội yêu cầu học sinh viết đoạn văn 200 chữ. Vấn đề luận bàn là sự cần thiết phải biết cân bằng cảm xúc trong cuộc sống. Đề này học sinh cần xác định đúng yêu cầu luận bàn, đưa ra quan điểm của bản thân và có ví dụ rõ ràng.
“Yêu cầu của đề hay, vấn đề luận bàn mang tính thời sự cao. Đặc biệt là đối với giới trẻ, nhiều bạn còn chưa cân bằng được cảm xúc”, cô Thu nói.
Câu nghị luận văn học yêu cầu học sinh phân tích đoạn kết thúc của tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân và nhận xét về cách nhìn cuộc sống của nhà văn thể hiện trong đoạn trích.
Theo cô Thu, yêu cầu của đề không chỉ đơn thuần là phân tích nhân vật anh cu Tràng mà còn cần phân tích đoạn kết của truyện ngắn qua màn đối thoại của cả ba nhân vật chính. Do đó, sự thay đổi của nhân vật anh cu Tràng chỉ là một phần nhỏ khi triển khai ý trong quá trình phân tích. Vì vậy, có thể nhiều em sẽ xác định bị nhầm nếu không đọc kỹ yêu cầu đề bài.
Đoạn kết thúc truyện ngắn là đoạn mở, truyện không nói cụ thể cuộc đời của Tràng, bà cụ Tứ và vợ anh sẽ ra sao, cuộc sống sau này của họ sẽ như thế nào mà nó buộc người đọc suy nghĩ theo một hướng và đôi khi chỉ nghĩ theo hướng đó. Kim Lân để “bỏ ngỏ” là khéo, cái kết “mở” ấy chứa đựng nhiều tâm tư của tác giả. Đề nghị luận văn học có hai yêu cầu và đòi hỏi học sinh phải suy luận để tìm ra vấn đề cần bàn luận.
Tổng kết lại, cô Thu đánh giá đề thi năm nay đã có sự phân hoá cao, đặc biệt là ở câu nghị luận văn học. Với đề thi này, học sinh không khó đạt 7-8 điểm. Nhưng từ 8 điểm trở lên đòi hỏi các bạn học sinh cần có lập luận tốt, tư duy nhạy bén, không bị mất điểm ở những câu hỏi dễ và làm tốt ở những câu hỏi khó.