Một buổi sinh hoạt Câu lạc bộ sách tại Trường THPT Nghi Lộc 2, Nghệ An. Ảnh: Nguyễn Phú Hòa |
Bất cứ một xã hội văn minh nào trên thế giới, từ phương Tây đến phương Đông, người ta đều lấy phát triển văn hóa đọc để làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Israel có hai chỉ số về sách cao nhất thế giới là số lượng sách xuất bản theo đầu người cao nhất thế giới và số người trẻ đọc sách cao nhất thế giới. Thậm chí, họ còn đặt các cuốn sách ở nghĩa trang vì họ tin rằng các linh hồn sẽ tiếp tục đọc chúng.
Tiếp đến, một trong những cái nôi của báo chí và văn học thế giới – nước Đức, có một nền văn hóa đọc vẫn giữ được mức ổn định trong thời đại công nghệ thông tin áp đảo hiện nay. Một minh chứng nữa là văn hóa đọc ở Nhật đã được hình thành cách đây hơn 300 năm. Từ thời Genroku (1688 - 1704), nước Nhật đã có hệ thống xuất bản với lượng sách lên đến 10 nghìn cuốn/năm.
Ngày nay, mỗi năm Nhật Bản xuất bản 43 nghìn đầu sách, bình quân mỗi năm một người dân đọc hơn 10 cuốn sách. Đặc biệt, người Nhật có thói quen tranh thủ đọc sách ở mọi không gian chờ: Đường phố, bến xe bus, trên tàu điện ngầm... thói quen này đã hình thành văn hóa đọc đứng - Tachiyomi. Trên những chuyến tàu điện ngầm ở Nhật, bạn sẽ thấy hình ảnh này thay vì cảnh tượng người dân chúi mặt vào màn hình điện thoại.
Làm thế nào để phát triển được văn hóa đọc để từ đó cùng gieo trồng tri thức trong cộng đồng một cách thực chất, không phải là sự “chống cháy”, vá víu? Trước hết cần tạo ra và phát triển thói quen đọc suốt cuộc đời cho mỗi người. Xây dựng thói quen đọc phải được bắt đầu từ tuổi ấu thơ, do các bậc cha mẹ thực hiện. Còn trong suốt cuộc đời đi học và sau khi ra đời là quá trình học tập và rèn luyện các kỹ năng đọc; mỗi cá nhân phát hiện ra sở thích đọc của chính họ để phát huy sở trường, hạn chế những sở đoản.
Hơn nữa, về mặt xã hội, phải là hoạch định những chính sách vận hành đồng bộ và có hệ thống trong việc phát triển văn hóa đọc. Nếu chỉ chú tâm xây dựng thư viện cho trường học, quyên góp sách, tổ chức thuyết trình, trao đổi về từng cuốn sách... tất cả những việc làm đó, dù không thể phủ nhận ý nghĩa của chúng, nhưng phải thú nhận rằng, chỉ là ngắn hạn, chắp vá.
Một “cơ chế” để vận hành mang tính đồng bộ và hệ thống trong cộng đồng, đặc biệt là trong không gian trường học là điều cấp bách. Không thể không ghi nhận sự nỗ lực của những người đang cố gắng khuyến đọc trong học đường, tuy nhiên cũng cần nhìn thẳng vào thực tế để thấy đa số thất bại hay ít nhất không đạt được hiệu quả mong muốn. Điều này nói ra có vẻ bi quan nhưng đó là một sự thật cần phải dũng cảm nhìn thẳng.