Giết người lúc mộng du có phạm tội?

31/03/2024, 21:26
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Rất nhiều hung thủ giết người trắng án sau khi được kết luận là thực hiện hành vi giết người khi đang mộng du - tình huống đặt ra câu hỏi lớn cho ngành khoa học pháp lý.

Tỉnh dậy, ông Fraser không thấy con thú dữ nào mà chỉ thấy bản thân đã giết chết đứa con trai 18 tháng tuổi của ông.

Tại phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa đã chứng minh rằng ông Fraser có tiền sử về chứng sợ ban đêm và có xu hướng mộng du bạo lực, bằng chứng là ông này đã từng một lần bóp cổ em gái khi ông đang ngủ.

Tòa bác bỏ vụ kiện ông Fraser tội giết người nhưng yêu cầu người đàn ông này phải ngủ một mình trong căn phòng khóa kín đến suốt đời.

Những hung thủ ngủ không nhắm mắt

Những sự cố giết người khi mộng du đặt ra câu hỏi rằng liệu hung thủ có thực sự ngủ trong lúc thực hiện hành vi giết người hay không và thông thường việc thức hay ngủ được xác định thông qua việc hung thủ nhắm mắt hay mở mắt khi thực hiện tội ác.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc nhắm hay mở mắt không đủ để xác định trạng thái ý thức của não.

TS Guy Leschziner - một nhà thần kinh học và là chuyên gia về rối loạn giấc ngủ - cho rằng để xác định một người ngủ hay thức cần lưu tâm đến hiện tượng “giấc ngủ cục bộ”, tức một hiện tượng thần kinh mà trong đó hoạt động não của sinh vật đang thức sẽ chuyển sang trạng thái gần giống với trạng thái ngủ.

“Hầu hết chúng ta nghĩ rằng tỉnh táo có nghĩa là bộ não của chúng ta hoàn toàn tỉnh táo. Nhưng trên thực tế, những vùng nhỏ trong não của chúng ta liên tục chìm vào giấc ngủ. Cảm giác tỉnh táo và nhìn như đang tỉnh táo không có nghĩa là não đang hoạt động đầy đủ” - theo TS Leschziner.

Vị chuyên gia cho rằng khi một người trong trạng thái mộng du các phần não chịu trách nhiệm về cảm xúc, chuyển động và thị giác thể hiện trạng thái thức, trong khi đó các phần não chịu trách nhiệm về suy nghĩ lý trí và trí nhớ lại trong trạng thái ngủ. “Đó là lý do vì sao con người có những hiện tượng kỳ lạ khi ngủ” - TS Leschziner nói thêm.

Giết người lúc mộng du có phạm tội? Ảnh: GETTY IMAGES
Giết người lúc mộng du có phạm tội? Ảnh: GETTY IMAGES

Quay trở lại một vụ án hình sự khác, xảy ra vào năm 1997. Ông Scott Falater, một kỹ sư sống tại TP Phoenix (bang Arizona, Mỹ) đã giết chết người vợ chung sống 20 năm với ông này và bào chữa rằng mình đang mộng du khi thực hiện hành vi giết người. Người đàn ông này đã đâm vợ mình 44 nhát, giấu quần áo của nạn nhân trong xe hơi rồi dìm đầu bà trong bể bơi ở khuôn viên nhà.

Tại tòa, luật sư bào chữa nói rằng ông Falater bị mộng du và đây là căn bệnh di truyền của gia đình ông. Tuy nhiên, lần này phần thắng không thuộc về hung thủ. Một hàng xóm của gia đình ông Falater đã khai với tòa rằng người này nhìn thấy ông Falater đã đuổi con chó của hai vợ chồng ra nơi khác trong lúc giết người. Tòa cho rằng tình tiết này là bằng chứng về ý thức của ông Falater và kết án ông này tội giết người cấp độ 1 (mức độ nghiêm trọng nhất trong tội giết người ở Mỹ).

Từ tình tiết con chó trong vụ án này, các chuyên gia cho rằng ranh giới mờ nhạt giữa “thức” hay “ngủ”, giữa “tỉnh táo” hay “mất ý thức” đặt ra thách thức cho thẩm phán trong việc đưa ra phán quyết.

“Không có câu trả lời chung về cách xử lý mộng du trong luật hình sự”- bà Ramya Nages, luật sư về tội phạm hình sự nói với tờ The Guardian.

Đồng quan điểm, TS Leschziner gợi ý một số câu hỏi để tòa có thể xác định liệu rằng bị cáo có mắc chứng mộng du hay không, bao gồm: Bị cáo có tiền sử mộng du không? Có bằng chứng nào về chứng rối loạn giấc ngủ của bị cáo mà các thành viên trong gia đình xác nhận hay không? Nguyên nhân gây ra cơn mộng du? Hành vi của bị cáo có phù hợp với chứng mộng du không?.

Ngày nay, với sự phát triển của khoa học pháp y, việc sử dụng chứng mộng du để thoát tội không còn dễ dàng. Các bác sĩ ngày nay có thể gắn các điện cực vào một người để xác định hành vi người đó thực hiện có phải là triệu chứng của mộng du hay không, theo tờ The Guardian.

Theo www.24h.com.vn
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/giet-nguoi-luc-mong-du-co-pham-toi-c415a1555810.html
Copy Link
https://www.24h.com.vn/tin-tuc-quoc-te/giet-nguoi-luc-mong-du-co-pham-toi-c415a1555810.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giết người lúc mộng du có phạm tội?