Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Giá trị văn hóa từ các làn điệu Xoan

18/04/2024, 14:41
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Phong trào hát Xoan đã và đang diễn ra sôi nổi trong các trường học ở Phú Thọ.

Nhà trường đã thành lập CLB hát Xoan ở tất cả các khối lớp. Hiện nay, CLB hát Xoan của Trường Tiểu học Hùng Lô đã có tới gần 200 thành viên.

“Để phong trào hát Xoan được phát triển mạnh mẽ trong trường, chúng tôi cho các nhóm của CLB dạy hát Xoan cho học sinh toàn trường vào giờ hoạt động tập thể của hai ngày trong tuần (thứ Ba và thứ Năm). CLB thường xuyên giao lưu với các phường Xoan cổ trong thành phố, các khu dân cư trong xã; giao lưu hát Xoan cấp thành phố”, bà Lê Thị Lan Anh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Lô cho biết.

CLB hát Xoan Trường Tiểu học Hùng Lô giao lưu hát Xoan tại Đình làng Hùng Lô (TP Việt Trì).
CLB hát Xoan Trường Tiểu học Hùng Lô giao lưu hát Xoan tại Đình làng Hùng Lô (TP Việt Trì).

Chung tay bảo tồn di sản

Các cấp, các ngành tại Phú Thọ đã có nhiều nỗ lực trong việc lan tỏa phong trào hát Xoan trong đời sống cộng đồng. Trong đó, phải kể đến là sự phối hợp giữa ngành Giáo dục và ngành văn hóa trong việc tổ chức, truyền dạy hát Xoan trong nhà trường.

Những lớp truyền dạy hát Xoan cho giáo viên dạy âm nhạc khối tiểu học được tổ chức đều đặn. Học viên tham gia lớp truyền dạy là các giáo viên sẽ được các nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có nhiều kinh nghiệm thuộc các phường Xoan gốc và cán bộ chuyên môn của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch truyền dạy các bài Xoan cổ trong 3 chặng hát.

Ngoài ra, thực hiện Chương trình GDPT 2018, các trường học tại Phú Thọ đã tham gia cung cấp tư liệu, hình ảnh hát Xoan góp phần phục vụ cho việc biên soạn nội dung giáo dục địa phương của tỉnh Phú Thọ, thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”.

Em Đào Quỳnh Anh, học sinh lớp 5C, Trường Tiểu học Kim Đức cho biết, được học hát Xoan từ khi vào lớp 1. “Em không chỉ được tham gia các hoạt động hát Xoan ở trường, mà còn được tham gia hát Xoan ở miếu Lãi Lèn, đình Thét, được giao lưu với các nghệ nhân ở các phường Xoan. Giờ đây, em không chỉ biết hát Xoan, mà còn thấy được niềm tự hào và trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn và bảo tồn, lan tỏa làn điệu Xoan của quê hương mình”, Đào Quỳnh Anh nói.

Để nâng dần chất lượng dạy, học hát Xoan trong Trường Tiểu học Hùng Lô, Hiệu trưởng Lê Thị Lan Anh cho hay, trường đã tích cực đầu tư về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động hát Xoan. Đồng thời tích cực dạy hát Xoan trong các tiết học Âm nhạc, hoạt động ngoại khóa, hoạt động tập thể. Nhà trường yêu cầu, các em học sinh trong toàn trường thuộc ít nhất từ 3 - 5 bài Xoan cổ có những làn điệu dễ nhớ, dễ thuộc và gần gũi như: Xe chỉ vá may, Trồng bông luống đậu, Bắc cầu...

Có thể thấy, mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” là cách vận dụng linh hoạt, sáng tạo, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Ngày 24/11/2011, UNESCO đã chính thức ghi danh hát Xoan vào danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của thế giới”. Với nhiều nỗ lực của Phú Thọ, năm 2017, hát Xoan chính thức được UNESCO rút khỏi danh sách này để chuyển sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gio-to-hung-vuong-le-hoi-den-hung-2024-gia-tri-van-hoa-tu-cac-lan-dieu-xoan-post679920.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gio-to-hung-vuong-le-hoi-den-hung-2024-gia-tri-van-hoa-tu-cac-lan-dieu-xoan-post679920.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giỗ tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2024: Giá trị văn hóa từ các làn điệu Xoan