Chia sẻ với báo chí, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, không nên quy định cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giới hạn tốc độ tốc tối đa 60km/h trên từng đoạn cao tốc khiến lái xe cảm thấy vướng mắc trong quá trình di chuyển, đồng thời không phát huy hiệu quả của đường cao tốc.
Bộ GTVT đang lấy ý kiến góp ý dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư số 31/2019 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ.
Đáng chú ý, bên cạnh tốc độ tối đa cho phép trên cao tốc lần lượt ở mức 120, 100, 80km/h tùy theo thiết kế thì dự thảo còn đề cập đến đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h.
Điều 9, dự thảo thông tư quy định tốc độ tối đa cho phép của các loại xe cơ giới, xe máy chuyên dùng trên đường cao tốc. Cụ thể: Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 120km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 120km/h. Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 100km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 100km/h.
Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 80km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 80km/h. Tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 60km/h đối với đường cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h (đối với vị trí địa hình đặc biệt khó khăn, yếu tố quốc phòng an ninh khống chế, cho phép áp dụng tốc độ thiết kế 60km/h).
Đối với đường cao tốc khai thác trong giai đoạn phân kỳ đầu tư xây dựng, tùy theo quy mô phân kỳ để xác định, nhưng tốc độ tối đa cho phép không vượt quá 90km/h.
Khi tham gia giao thông trên đường cao tốc, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải tuân thủ tốc độ tối đa, tốc độ tối thiểu ghi trên biển báo hiệu đường bộ, sơn kẻ mặt đường trên các làn xe; đồng thời phải tuân thủ hiệu lệnh của người điều khiển giao thông và quy định về sử dụng làn đường, vượt xe và nhường đường cho xe xin vượt theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc giới hạn tốc độ cao tốc tối đa 60km/h khiến lái xe cảm thấy vướng mắc và ức chế khi lưu thông, đồng thời không phát huy hiệu quả của đường cao tốc.
Anh Hà Trung Hiếu, lái xe đường dài tại Hà Nội lấy ví dụ, đoạn cao tốc Pháp Vân - Ninh Bình xe đông thì được chạy từ 100 - 120km/h, trong khi đoạn cao tốc mới Cao Bồ - Mai Sơn - Quốc lộ 45 chỉ được tối đa 80km/h dù lưu lượng xe ít. Trong khi đó, nếu đề xuất cao tốc có tốc độ tối đa là 60km/h thì tốc độ chạy cao tốc gần như tương đương tốc độ chạy ở một số quốc lộ.
“Đã là cao tốc thì phải đạt tiêu chuẩn cao tốc và tốc độ phải chạm ngưỡng 100 - 120km/h mới đem lại hiệu quả khai thác. Nếu quy định tốc độ tối đa 60km/h thì tốc độ thực tế chỉ đạt trên 40 - 50 km/h một chút vì không phải ai cũng đi với tốc độ tối đa. Cao tốc, nhưng đường lại ít làn khiến xe phía sau cũng phải đi chậm theo, tự dưng cao tốc cũng thành tắc đường”, anh Hiếu chia sẻ.
Nhiều lái xe khác lại cho rằng, do thiết kế làn xe còn hạn chế nên việc quy định tốc độ tối đa chỉ 60km/h là phù hợp thực tế.
Anh Lê Đình Trung (lái xe tại quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, theo quan sát hầu hết các cao tốc thành phần hiện nay chỉ có 2 hoặc 4 làn xe, thậm chí không có làn dừng khẩn cấp, nếu để tốc độ quá nhanh sẽ gây nguy hiểm cho lái xe trong trường hợp không kịp xử lý khi gặp chướng ngại vật.
“Tại Nhật Bản, nhiều tuyến đường hẹp với 4 làn xe, chiều rộng 3,5m hai làn mỗi bên, không có làn dừng khẩn cấp, vẫn cho tốc độ xe chạy tối đa 100km/h, tối thiểu 60km/h. Vấn đề then chốt là ý thức chấp hành luật giao thông.
Nếu như ở ta còn lơ là chưa chú ý đến việc chấp hành như giữ đúng khoảng cách trên đường, tình trạng quá tải, lấn làn… gần như xảy ra thường xuyên thì việc quy định tốc độ giới hạn 60km/h cũng giảm khá nhiều rủi ro có thể xảy ra trên đoạn đường di chuyển”, anh Trung chia sẻ.
Cũng theo anh Trung, việc quy định tốc độ còn phụ thuộc vào lưu lượng xe, thời tiết, các tình huống thực tế, đáp ứng cơ sở vật chất, tình trạng thực tế của đường… Với chất lượng cao tốc ở thời điểm hiện tại thì việc giới hạn tốc độ là cần thiết để tránh những tai nạn đáng tiếc. Cái chính quyết định tốc độ xe chạy vẫn phụ thuộc vào quan sát tình huống thực tế trên đường.
Anh Phạm Đình Quyết (lái xe tại huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho rằng, nếu tốc độ tối đa trên đường cao tốc 60km/h thì gần như không có tai nạn. Tuy nhiên, việc chạy chậm sẽ dẫn đến nguy cơ ùn tắc giao thông, ảnh hưởng tới hiệu quả kinh tế.
“Chẳng hạn di chuyển từ Hà Nội - Hải Phòng theo đường cao tốc sẽ hết 1 giờ, nếu áp theo quy định mới sẽ tăng thêm thời gian, như vậy sẽ không khác gì đi trên Quốc lộ 5. Trong khi đó, đường cao tốc vận hành với tốc độ cao nhằm rút ngắn thời gian di chuyển”, anh Quyết băn khoăn.
Chia sẻ với báo chí, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho rằng, không nên quy định cao tốc có tốc độ thiết kế 60km/h. Bởi vì, hiện nay quốc lộ có từ 2 làn xe/chiều đã có những vị trí được chạy tốc độ tối đa 90km/h.
Nếu cao tốc có tốc độ tối đa 60km/h thì tốc độ tối thiểu sẽ là bao nhiêu? Như thế có khác gì so với đường bộ thông thường? Vì thế, nhiều ý kiến cho rằng không nên đặt ra quy định “cứng” về thiết kế đường cao tốc có tốc độ tối đa 60km/h. Thay vào đó, giống như các nước, nên thiết kế đường cao tốc có tốc độ từ 80km/h trở lên.
“Trên tuyến cao tốc đó nếu có những đoạn do địa hình miền núi, đặc biệt khó khăn thì có thể cho phép chạy với tốc độ 60km/h. Nhưng trước khi vào đoạn đường này cơ quan quản lý phải cắm biển “hết đường cao tốc” và đoạn đường này phải coi là đường bộ thông thường dù vẫn đảm bảo các tiêu chuẩn giống như đoạn trước đó. Sau khi hết đoạn tốc độ tối đa 60km/h thì cắm biển vào cao tốc. Nếu áp dụng theo cách thức này thì sẽ không bị mâu thuẫn”, chuyên gia giao thông Khương Kim Tạo cho biết.