Trồng người

Giới trẻ áp lực mang tên ‘kỳ vọng’: Tước đoạt tương lai con trẻ vì giấc mơ nối nghiệp

22/08/2024 08:54

Nhiều phụ huynh đang gây áp lực lên con trẻ, vô tình "tước đoạt" đi tương lai của các con vì giấc mơ nối nghiệp của chính mình.

Mắc tâm thần sau du học 2 năm

Khi được người nhà đưa vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai), bệnh nhân T.H.V. (18 tuổi, Hà Nội) đã ở trong tình trạng hung hăng, mắt ngây dại, da tái nhợt.

Theo chia sẻ của người nhà, V. là con trai duy nhất trong gia đình có điều kiện, bố là cán bộ ngân hàng, mẹ là bác sĩ. Cách đây 2 năm, khi các bạn cùng trang lứa chuẩn bị bước vào kỳ thi lớp 10 thì V. được bố mẹ định hướng du học tại Mỹ để nối bước nghề nghiệp mẹ.

V. không thích, nhưng vì chiều lòng cha mẹ nên đồng ý đi du học. Dù có họ hàng bên Mỹ, nhưng việc đột ngột chia tay bạn bè, đến một đất nước xa lạ để sinh sống đã làm V. bị sốc. V bắt đầu thay đổi tính nết. Từ một đứa trẻ thông minh, lanh lợi, hòa đồng với mọi người, V. bắt đầu sống khép kín, thường xuyên nhốt mình trong phòng, ít giao tiếp và sử dụng máy tính liên tục.

Thời gian đầu du học, mỗi dịp hè, V. đều chủ động về nước thăm cha mẹ. Khoảng 1 năm sau, việc bay về Việt Nam bắt đầu giảm dần. Sau hơn 2 năm du học, V. không còn về nước nữa. Lý do V. đưa ra là vì bận kiếm tiền, làm thêm tại các công ty lập trình mạng để có thêm kinh nghiệm.

Nghe con kể, cha mẹ V. rất mừng nên con cần bao nhiêu tiền họ đều đáp ứng. Đầu năm 2024, vì quá nhớ con nên cha mẹ V. sắp xếp xin nghỉ phép đi thăm con. Nhưng điều làm cha mẹ V. sốc là con mình sụt cân nghiêm trọng, chỉ còn hơn 40kg. Trước khi đi du học, V. nặng hơn 80kg.

“Con vốn dĩ là đứa trẻ ngăn nắp, sạch sẽ. Nhưng hình ảnh trước mặt mà chúng tôi thấy là đứa trẻ với ánh mắt ngây dại, không tắm rửa, ăn uống mà chỉ tập trung làm gì đó trên máy tính, miệng lẩm bẩm ngôn ngữ khó dịch.

Không chấp nhận điều đó, gia đình tôi tức tốc đặt vé đưa con về Việt Nam thăm khám và điều trị. Do xấu hổ với gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, chúng tôi quyết định đưa cháu vào Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai)”, người nhà V. nói.

Liên quan đến trường hợp này, chị N.H.L., điều dưỡng trực tiếp chăm sóc V. cho biết, phải sử dụng 3 phương pháp để can thiệp, gồm: Liệu pháp tâm lý, liệu pháp thư giãn và liệu pháp gia đình kết hợp với thuốc điều trị.

Theo điều dưỡng L., trường hợp này khi đến với bệnh viện đã chuyển nặng, gia đình lại không chấp nhận con bị loạn thần, khai thác bệnh sử chỉ nói rằng con học xa nhà, buồn rầu nên bỏ ăn và không chịu ngủ.

“Theo đánh giá của các bác sĩ, bệnh nhân V. khá thông minh, nhạy bén với các vấn đề công nghệ thông tin. Tuy nhiên, thời điểm nhập viện, V. rơi vào tình trạng loạn thần nặng, bị ảo giác rằng mình là bậc vĩ nhân vũ trụ, cần phải làm việc 24/7 với máy tính để giải cứu vũ trụ.

Có thể nói, tình trạng của V. bị nặng một phần do áp lực từ khi đi du học mà chưa đủ kỹ năng sống xa gia đình. Nguyên nhân cũng đến từ việc gia đình quá nuông chiều, muốn gì cũng đáp ứng, nếu không đáp ứng yêu cầu, V. sẽ dùng yêu sách để gây áp lực lên bố mẹ”, chị L. cho hay.

gioi tre va ap luc mang ten ky vong (2).jpg
Thất tình và gia đình ép lập gia đình với người khác, bệnh nhân này phát bệnh và đang điều trị tại khoa Mãn tính nam - Bệnh viện Tâm thần trung ương 2. (Ảnh: Lâm Ngọc)

Giấu bệnh con vì xấu hổ

Bác sĩ Nguyễn Thị Oanh, Trưởng Khoa Tâm thần người cao tuổi, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2, đánh giá, V. là trường hợp đáp ứng thuốc và các phương pháp điều trị nên chỉ sau một thời gian ngắn, sức khỏe tâm thần dần ổn định.

Tuy nhiên, vì quá cưng chiều con nên mẹ V. yêu cầu khoa phải đáp ứng các yêu cầu của con trong quá trình điều trị như: Được xem tivi theo giờ, chương trình theo yêu cầu, sử dụng điện thoại để tương tác mạng xã hội. Gia đình cũng yêu cầu không được để V. mặc đồ bệnh nhân.

Chính vì sự tác động quá nhiều từ yếu tố bên ngoài lên một bệnh nhân, tối đến V. không ngủ mà bắt nhân viên thức cùng để nghe kể chuyện “trên trời”. Đó là những câu chuyện không đầu, không đuôi đến từ thế giới này, hành tinh kia. Đỉnh điểm, V. kiên quyết nói với gia đình rằng mình đã ổn, nếu tiếp tục ở đây sẽ phát bệnh lại, yêu cầu cha mẹ cho về nhà.

Ngỡ rằng con mình đã ổn, gia đình đưa V. trở về Hà Nội, làm thủ tục để V tiếp tục qua Mỹ sinh sống. Nhưng, thông tin mà các điều dưỡng nắm được, sức khỏe của V. hiện không tốt, không ăn, không ngủ và có dấu hiệu phát bệnh lại. Mẹ của V. cũng nghỉ công việc bác sĩ để qua nước ngoài phục vụ con.

Theo thống kê, thời gian học quá nhiều cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng căng thẳng của học sinh, sinh viên. Nhiều trường hợp vì kỳ vọng của gia đình mà quyết định theo học những ngành, nghề mà các em không thích thú, dẫn đến việc học không được tốt. Càng ngày, những em bị ép theo ý bố mẹ tự cảm thấy sự yếu kém do thất bại trong cuộc sống thực tại, tự ti về bản thân, không được tôn trọng.

“Kỳ vọng ở con cái là một áp lực vô hình, phổ biến mà nếu không được giải quyết kịp thời sẽ dẫn đến nhiều rối loạn tâm lý ở trẻ. Nhằm ngăn ngừa các bạn trẻ rối loạn tâm thần, cha mẹ cần quan tâm đến cảm xúc của con, động viên chứ đừng gây áp lực, kỳ vọng quá mức. Đặc biệt, khi gia đình phát hiện những thay đổi bất thường của con cái, cần đến cơ sở y tế chuyên khoa tâm lý để nhận được sự tư vấn và hướng điều trị kịp thời”, bác sĩ Oanh nói.

Theo bác sĩ Oanh, stress, lo âu, trầm cảm ở học sinh, sinh viên nếu được giải quyết sớm vẫn có thể tiếp tục học tập, sức khỏe có thể trở lại bình thường. Ngược lại, nếu phát hiện trễ, những rối loạn này sẽ ảnh hưởng nhiều đến thể chất, tinh thần và học lực như mất ngủ, lo âu, bỏ ăn… Tình trạng kéo dài sẽ khiến các em dễ có suy nghĩ và hành động tiêu cực, thậm chí nghĩ đến cái chết.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gioi-tre-ap-luc-mang-ten-ky-vong-tuoc-doat-tuong-lai-con-tre-vi-giac-mo-noi-nghiep-post696545.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gioi-tre-ap-luc-mang-ten-ky-vong-tuoc-doat-tuong-lai-con-tre-vi-giac-mo-noi-nghiep-post696545.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giới trẻ áp lực mang tên ‘kỳ vọng’: Tước đoạt tương lai con trẻ vì giấc mơ nối nghiệp