Giữ bát ăn cơm cũng chính là giữ công ăn việc làm của chính mình

Hà Minh | 16/10/2023, 11:00
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

(GDTĐ) - Bát ăn cơm là vật dụng không thể thiếu trong đời sống mỗi gia đình. Theo phong thuỷ, bát ăn cơm chính là đại diện cho “công ăn việc làm”, tài lộc của gia chủ. Những thói quen trong bữa ăn cũng phản ánh sự giáo dục, mong cầu điều tốt lành.

Trong lúc ăn cơm, không nên dùng đũa hoặc thìa gõ vào bát cơm. Âm thanh phát ra từ việc gõ vào bát được cho là thu hút những vong hồn lang thang, không nơi nương tựa về phá nhà. Đấy là điềm dữ, không mấy thuận lợi cho gia chủ.

Trong bữa ăn cơm, không nên dùng đũa cắm vào bát cơm. Vì theo truyền thống từ xưa, cách cắm đũa như vậy sẽ tạo ra mối liên hệ với người chết, giống như việc thắp hương. Nếu trong bữa ăn mà cắm đũa như vậy sẽ được xem như là điềm xấu, điềm xúi quẩy sắp xảy đến.

Trong phong thuỷ Á Đông, việc làm rơi vỡ chén bát có nghĩa là đánh thức năng lượng xấu khiến cho gia đạo bất hoà, khó lòng an yên. Do đó, cần tránh việc làm rơi vỡ bát đũa.

Bên cạnh đó, trong bữa cơm gia đình cũng cần phải chú ý tới những thói quen xấu khác.

Hành vi đặt đũa chéo nhau đặt trên mặt bàn được xem như có ý phản định, phủ nhận toàn bộ những người ngồi cùng bàn ăn.

Cũng không nên nhận thức ăn từ đũa người khác bằng đũa của mình, gọi là nối đũa. Hành động nối đũa khiến người ta liên tưởng tới khi gắp tro cốt của người chết sau khi hoả táng, bởi vậy, đây là một điều nên tránh.

Hãy đưa bát ra để nhận phần thức ăn người khác gắp cho, vừa đảm bảo không rơi vãi vừa đảm bảo điều kiêng kị.

Trước khi dùng cơm, không nên đặt đũa dài ngắn, không đồng đều ở trên mặt bàn, bởi người xưa coi việc này mang đến điềm rất xấu. Người xưa gọi là “tam trường lưỡng đoản” (ba dài hai ngắn) với ý nghĩa chỉ về tấm ván gỗ lúc chưa đóng quan tài có kích thước dài ngắn khác nhau. Hành động đặt đũa dài ngắn ý chỉ chuyện không may xảy ra, đại biểu cho “tử vong”.

Trong bữa ăn cũng không nên đánh rơi đũa xuống đất vì đây là hành động thất lễ với tổ tiên đang yên nghỉ dưới lòng đất. Đũa rơi xuống đất sẽ làm kinh động đến tổ tiên, phạm vào bất hiếu. Nếu chẳng may có đánh rơi thì người xưa sẽ nhanh chóng ngồi xuống cầm đũa vẽ lên chỗ đất đó một chữ thập, theo hướng Đông Tây trước Nam Bắc sau và biểu thị sự xin lỗi, thỉnh cầu tổ tiên tha thứ.

Trước khi xới cơm cho mọi người, người xới cơm phải đánh đều cho tơi cơm ra sau đó xới cơm vào bát. Không được xới 1 muôi cơm vì chỉ xới 1 muôi cơm cho người chết. Không xới đầy bát cơm vì như thế là không tôn trọng người kia.

Khách đến nhà phải đợi chủ nhà cầm đũa lên rồi mới được ăn cơm. Trẻ con nên đợi người lớn vào ăn cơm rồi mới ăn. Người trẻ nên kính trọng mới rượu người lớn tuổi bằng cách hạ ly rượu thấp xuống so với ly rượu của người lớn tuổi trong lúc cụng ly.

Khi ăn cơm, không nên ăn nhồm nhoàm, húp soàm soạp vì như thế là khiếm nhã, bất lịch sự. Người vừa ăn vừa rung đùi cũng là thói quen bất lịch sự, gây khó chịu cho người khác.

Vừa ăn vừa dùng điện thoại cũng là thói quen xấu, thể hiện sự thiếu tôn trọng với người cùng ăn.

Đối với người Việt Nam, bữa ăn là thời gian quan trọng trong ngày, có ý nghĩa gắn kết tình cảm và gây dựng sự hoà thuận gia đình. Do đó, dù bận rộn thế nào, bạn cũng nên hiểu và không vi phạm những điều cấm kị trong việc dùng bát và trong lúc ăn uống cùng gia đình./.

(Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ bát ăn cơm cũng chính là giữ công ăn việc làm của chính mình