Những giảng viên này, tuy đi bằng nguồn kinh phí suất học bổng nước ngoài hay chương trình liên kết đào tạo, nhưng thời gian học tập vẫn được hưởng 40% lương cơ bản và một số khoản phụ cấp tùy theo cơ sở giáo dục. Bên cạnh đó, giảng viên và trường đại học chủ quản đều có cam kết, quy định rõ ràng việc bồi hoàn nếu tự ý phá vỡ hợp đồng. Tuy nhiên, còn tỷ lệ nhất định giảng viên không quay trở về trường phục vụ sau khi đi học ở nước ngoài.
Từ năm 2017, ĐH Đà Nẵng có nhiều thay đổi trong quản lý giảng viên đi học ở nước ngoài nhằm ngăn ngừa tình trạng “một đi không trở lại”. Theo đó, 6 tháng, học viên phải báo cáo kết quả học tập một lần để trường, khoa quản lý nắm tiến độ của nghiên cứu sinh.
Ngoài ra, hướng đi trong nghiên cứu khoa học của học viên được chuyển về trường. Nhà trường có thể sử dụng hoặc góp ý xây dựng nghiên cứu này. Nếu 12 tháng, học viên không có báo cáo, trường sẽ làm thông báo. Thay vì trước đây, nếu cử học viên đi học 4 năm thì gần như mất liên lạc chừng đó thời gian.
GS.TS Trần Văn Nam - nguyên Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho rằng, thay vì chọn đi làm ở doanh nghiệp bên ngoài, người đầu quân cho giáo dục đại học đều suy nghĩ sẽ chọn con đường nghiên cứu chuyên sâu nên đây là môi trường phù hợp, không lãng phí thời gian đào tạo.
Vì vậy, cơ sở giáo dục đại học, nếu biết tạo điều kiện để công chức phát huy năng lực; cải thiện môi trường làm việc như đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ hội tiếp xúc với thông tin khoa học mới là phương cách thu hút và giữ chân giảng viên giỏi, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo.