Chọn nghề giáo và quyết tâm ở lại nơi vùng cao biên giới, hải đảo mỗi giáo viên đều mang trong mình nhiệt huyết, cống hiến.

Nỗ lực của họ đã giúp con chữ nảy mầm trên vùng đất khó, học trò được quan tâm chăm sóc, giáo dục “thay da đổi thịt”…

Nỗ lực vượt khó

Cô Bùi Thị Minh Khuyên quê Phú Thọ gắn bó với Mường Tè (Lai Châu) đã 16 năm. Hành trình vượt xuôi lên núi dạy chữ của cô trải qua hầu hết các điểm trường lẻ khó khăn nhất của Trường PTDTBT Tiểu học Pa Ủ. Cô được đồng nghiệp và học trò nhắc tới như “khắc tinh” của học sinh bỏ, trốn học. Các lớp do cô chủ nhiệm luôn duy trì sĩ số 100% dù ở những thời điểm “nóng” về bỏ học.

Cô Khuyên đến với nghề giáo viên từ sự ngưỡng mộ những thầy đã dạy mình. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm cô viết đơn xin lên Lai Châu. Gia đình, bạn bè không ít lần rủ cô bỏ hết để về xuôi. Cũng đôi lần cô viết đơn xin chuyển vùng để gần nhà và đã có quyết định tiếp nhận. Nhưng nghĩ thương học trò và suy nghĩ liệu đồng nghiệp thay thế có đủ kiên trì ở lại vùng đất khó… cô lại rút đơn. Sau nhiều năm, nữ nhà giáo đã quen với công việc, cuộc sống ở Mường Tè. Hơn nữa khi có đam mê, yêu thích thì thách thức, khó khăn không còn là trở ngại.

Cô Khuyên chia sẻ: Cuộc sống và dạy học của giáo viên vùng cao còn nhiều vất vả. Có những giây phút tủi thân, nước mắt lăn trên má nhưng bản thân quyết tâm không lùi bước, cố gắng tích lũy kinh nghiệm, phương pháp để hành trình giáo dục học sinh dân tộc hiệu quả. “Với nghề giáo, tôi được sống tận cùng đam mê, cống hiến hết mình cho học trò. Chẳng gì hạnh phúc hơn sau mỗi năm học được chứng kiến sự lớn khôn của học trò; được nghe các em nói “con thích học lớp cô Khuyên…””.

Cô Nguyễn Thị Ánh Phương, quê Đông Anh (Hà Nội) lên Bắc Hà công tác đến nay được 28 năm. Hiện, cô là giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà - Lào Cai).

Giữ 'lửa nghề' ảnh 1

Cô Nguyễn Thị Ánh Phương, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Thu Phố 1 (Bắc Hà, Lào Cai). Ảnh: NVCC

Cô Phương từng có ý định học trường Y, song người thân gợi ý nên trở thành cô giáo, nên đã không ngần ngại học lớp 12+6 Trường Trung cấp Sư phạm Lào Cai để đi dạy. Lên Bắc Hà có lúc muốn “buông” để về xuôi tìm việc nhưng nghĩ “ở đây ai cũng khó khăn, học sinh dân tộc vất vả thiếu thốn mà vẫn nỗ lực đi học, đi làm. Vậy tại sao mình không ở lại để giúp đỡ học trò. Hơn thế, từ con chữ, kiến thức cô giáo trao đi sẽ giúp các em thay đổi cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình, quê hương…”. Vì vậy, cô Phương quyết tâm ở lại với giáo dục vùng cao Bắc Hà.

Cô Phương trải qua nhiều nơi công tác khác nhau, từ vùng trung tâm thuận lợi tới những điểm trường khó khăn nhất. Có điểm trường chỉ nghe tên đã “ngại” thì cô Phương cũng gắn bó 10 năm. Được phân công nơi nào cũng vui vẻ và làm tốt nhất nhiệm vụ được giao. Trong những lá thư viết gửi về cho bố mẹ, cô vẫn miêu tả cuộc sống đầy đủ, công việc ổn định để gia đình yên tâm và không ép chuyển nghề.

“Gần 30 năm gắn bó với giáo dục vùng khó, tôi tự hào vì mình đã trụ vững nơi đây, được đóng góp tâm sức, trí tuệ dạy chữ rèn người. Trải qua cực điểm khó khăn thì hạnh phúc càng lớn lao. Bước vào đổi mới giáo dục, giáo viên vùng cao lại tiếp tục phải đổi mới chính mình, tự học, bồi dưỡng về chuyên môn để đáp ứng yêu cầu. Đó là điều tất yếu và chúng tôi đã sẵn sàng để tiếp tục cống hiến…”, cô Phương chia sẻ.

Cô Văn Thị Nết đã xa quê hương Tuyên Quang gắn bó với xã biên giới Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang) năm thứ 16. Trước khi trở thành cô giáo Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận, cô Nết là thợ may, học hết lớp 7.

Cô Nết đã học bổ túc văn hóa 2 năm để có bằng tốt nghiệp THPT. Sau đó cô thi và đỗ Trường Cao Đẳng Sư phạm Hà Giang. Học khi đã có tuổi, vừa học vừa lao động kiếm sống là cả vấn đề thời điểm đó. Ra trường nhận công tác tại xã Nghĩa Thuận, nơi khó khăn bậc nhất Hà Giang, cô vẫn vô cùng hạnh phúc.

Cô Nết tâm sự: “Giáo viên dưới xuôi lên Nghĩa Thuận công tác sợ nhất cái lạnh mùa đông thường xuyên dưới 10 độ. Quần áo giặt vắt tay cả tuần không khô, giặt máy thì 4 ngày vẫn ẩm. Những bữa cơm nấu xong chỉ 10 - 15 phút chưa kịp ăn đã nguội lạnh. Đóng cửa trong nhà, mặc 5 - 7 lần áo vẫn rét.

Mùa đông kéo dài, khắc nghiệt khiến cả trò và thầy đều vất vả. Với trẻ mầm non, công tác chăm sóc càng đòi hỏi kỹ càng, cẩn trọng. Trước hết vì sức khỏe của các em, sau đó để phụ huynh thấy được đến lớp trẻ được chăm sóc đầy đủ, an toàn. Từ đó đưa trẻ đi học đều đặn, không địu con theo lên nương…”.

Cô Nết cho biết, giáo viên vùng cao khi bước vào phổ cập trẻ mầm non 5 tuổi đòi hỏi chuyên môn cao. Do đó, bên cạnh bồi dưỡng, tập huấn thường xuyên phải tự học, tự kết nối với đồng nghiệp dưới xuôi, ở thành phố để chia sẻ kinh nghiệm. Đặc biệt, trong bối cảnh cơ sở vật chất khó khăn, nhà giáo ngoài nhiệm vụ chăm nuôi dạy trẻ phải phát huy trách nhiệm trong làm đồ chơi, đồ dùng dạy học, trang trí trường lớp... Khó đến đâu cũng phải nỗ lực để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của gia đình, xã hội và nghề nghiệp.

Giữ 'lửa nghề' ảnh 2

Cô Văn Thị Nết công tác tại Trường Mầm non xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ, Hà Giang). Ảnh: NVCC

Nỗ lực đổi mới giáo dục

Thầy Nguyễn Văn Hà, Hiệu trưởng Trường THPT Quan Lạn (Quảng Ninh) công tác tại đảo Quan Lạn 21 năm, nên hiểu rõ những khó khăn của giáo viên vùng khó khi bước vào đổi mới giáo dục. Theo thầy Hà, trước hết, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học thiếu thốn làm giảm hiệu quả và khả năng phát huy phương pháp dạy học tiên tiến từ người thầy. Điều đó khiến chất lượng giáo dục chưa đạt kết quả cao, giáo viên ít được cọ xát, thực nghiệm…

Bên cạnh đó, bước vào triển khai Chương trình GDPT mới với đòi hỏi về cơ sở vật chất cao hơn thì xã hội hóa không thuận lợi; sự quan tâm, hỗ trợ, đồng hành từ gia đình với nhà trường hạn chế khiến rào cản chất lượng giáo dục tăng lên.

Đặc biệt theo thầy Hà, vấn đề nâng chất đội ngũ giáo viên không đơn giản khi việc đi lại giữa đảo và đất liền khó khăn, các điều kiện hỗ trợ giáo viên nâng cao trình độ năng lực gần như không có. Những năm qua, trường không có kinh phí cử thầy cô đi đào tạo nâng cao chuyên môn. Do đó, 100% trình độ giáo viên nhà trường ở mức chuẩn, chưa có trên chuẩn… Những khó khăn trên đã và đang khiến chất lượng giáo dục chưa như mong muốn.

Tại Trường PTDTBT Tiểu học xã Sín Chéng (Si Ma Cai, Lào Cai), cô Hiệu trưởng Bùi Thị Hường ghi nhận trình độ đội ngũ giáo viên vùng cao trong những năm qua tiến bộ đáng kể dù điều kiện chung còn khó khăn. Ý thức tự học hỏi, nâng cao chuyên môn để đáp ứng yêu cầu dạy học Chương trình GDPT mới cải thiện.

Song cô Hường khẳng định sự chênh lệch về điều kiện dạy học, nâng cao chuyên môn, năng lực giáo viên giữa miền ngược và xuôi vẫn còn khoảng cách lớn, đãi ngộ chưa theo kịp thực tế. Chính vì vậy, chỉ có đam mê với nghề, yêu trò… mới có thể giữ chân giáo viên với trường lớp, vượt lên khó khăn để tiếp tục cống hiến.

“Ở Nghĩa Thuận, tôi đã được thỏa ước mơ làm cô giáo, có một gia đình hạnh phúc và bạn đời cùng nghề luôn đồng cảm, chia sẻ cùng vượt khó. Nếu được lựa chọn lại, với vất vả như đã trải qua, bản thân vẫn chọn nghề giáo…”, cô Nết trải lòng.

Theo giaoducthoidai.vn
Copy Link
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giữ 'lửa nghề'