Liên quan tới đề xuất áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho rằng, hiện mức tiêu thụ đồ uống có đường tính theo đầu người tại Việt Nam tăng nhanh. Theo Bộ Y tế, có bằng chứng gần đây cho thấy mối liên quan giữa tiêu thụ đồ uống có đường với bệnh không lây nhiễm, gây ra tổn thất kinh tế, gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong. Đây cũng một trong những nguyên nhân chính gây thừa cân, béo phì với cả trẻ em và người lớn.
“Cần phải điều chỉnh thói quen, nâng cao nhận thức về tiêu dùng đồ uống có đường, giảm thiểu sự tổn thất kinh tế do tăng cân và béo phì và việc phát sinh các bệnh có liên quan, qua đó, giảm gánh nặng chi phí y tế và tỷ lệ tử vong, đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh, hài hòa, bền vững của các thế hệ tương lai của đất nước. Theo đó, đề xuất đánh thuế TTĐB với đồ uống có đường của Bộ Tài chính là hoàn toàn hợp lý”, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh cho biết, Việt Nam chưa có thuế TTĐB đánh vào đồ uống có đường, sản phẩm này chỉ chịu ảnh hưởng của thuế GTGT 10%. Trong khi các quốc gia phát triển và có tỷ lệ béo phì cao đều dần thực hiện việc áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường. Nếu năm 2012 chỉ có khoảng 15 quốc gia, thì đến nay đã có ít nhất 67 quốc gia/vùng lãnh thổ đánh thuế đối với đồ uống có đường, trong đó 56 quốc gia áp thuế TTĐB; 9 nước áp thuế nhập khẩu; 2 nước áp thuế hàng hóa và dịch vụ.
Như vậy, đánh thuế TTĐB đối với các sản phẩm đồ uống có đường là một trong những biện pháp hiệu quả để định hướng tiêu dùng, giảm mức tiêu thụ nước ngọt có đường, góp phần dự phòng và kiểm soát các bệnh không lây nhiễm.
"Nếu áp dụng thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, sản lượng có thể suy giảm trong một vài năm đầu tiên nhưng sau đó sẽ phục hồi và có thể tiếp tục tăng. Hơn nữa, về bản chất thuế TTĐB là thuế đánh vào người tiêu dùng nhằm điều chỉnh hành vi tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ là người nộp hộ thuế cho người tiêu dùng nên ngoài mức suy giảm trong một thời gian ngắn về sản lượng thì các doanh nghiệp trong ngành ít chịu các tác động khác", ông Thịnh đánh giá.
Trong khi đó, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, có 3 lưu ý đối với thuế TTĐB, thứ nhất là có nhiều mục tiêu phải đánh đổi, lựa chọn không dễ, do đó, ưu tiên chính sách phải rất quan trọng. Tiếp theo, đây là một chính sách rất khó, nên đôi khi chính sách dám chấp nhận thử sai. Mà muốn ít thử sai thì phải nghiên cứu rất kỹ. Cuối cùng, cần phải tìm một điểm tối ưu mà ở đó thu thuế là tốt nhất, và vẫn sản xuất kinh doanh được.
Theo ông Thành, mỗi loại thuế đều có ưu điểm và nhược điểm. Hiện một số nước chuyển sang thu thuế hỗn hợp (áp dụng đồng thời phương pháp tính thuế theo tỷ lệ phần trăm và phương pháp tính thuế tuyệt đối và số thuế áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp được xác định là tổng số thuế theo tỷ lệ phần trăm và số thuế tuyệt đối...) để giảm thiểu tiêu cực. Vì thế, việc áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường, thức uống đại mạch và nước giải khát không cồn vào đối tượng chịu thuế TTĐB và tiếp tục điều chỉnh tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu, bia cần tính đến thời điểm và trình tự.
"Bản chất câu chuyện thuế là chúng ta đạt mục tiêu, nhưng chấp nhận lĩnh vực đó là lĩnh vực cần thiết cho đời sống. Việc này, theo tôi là cần thời gian nghiên cứu đầy đủ hơn", ông Thành nói, đồng thời cho rằng, nếu áp dụng thì áp dụng vào giai đoạn chuyển tiếp và nên thí điểm, tiến hành một cách thận trọng. Thời gian mà ông Thành đưa ra và cho rằng hợp lý là năm 2026.