Trước đó, Phòng GD&ĐT Kỳ Sơn đã có công văn hướng dẫn các nhà trường chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện nhiệm vụ năm học 2022 - 2023. Do đó, những khó khăn đặc thù cơ bản có giải pháp khắc phục. Cụ thể, năm học 2022 - 2023, toàn bộ HS lớp 3 được chuyển về cơ sở chính để ăn ở bán trú và học tập. Các điểm trường chính đã chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học bảo đảm các yêu cầu triển khai chương trình mới. Với vấn đề đội ngũ, việc thiếu giáo viên Tiếng Anh được khắc phục với giải pháp phân công dạy liên trường và huyện sẽ hỗ trợ một phần kinh phí đi lại cho thầy cô.
Quan tâm động viên thay vì trách phạt
Sau thời gian dài nghỉ hè, cần có giải pháp tạo sự chuyển tiếp, để HS bắt nhịp với nền nếp học tập một cách hào hứng, không quá căng thẳng. Chia sẻ giải pháp, cô Hoàng Thị Bích Thu cho biết, từ 22 - 31/8, nhà trường tổ chức tuần “Em là HS lớp 1”, giúp trẻ làm quen với môi trường học, thầy cô, bạn bè; đồng thời rèn HS một số thói quen phải tự phục vụ tại trường, cũng như kỹ năng cần thực hiện để tự chăm sóc bản thân…
Ảnh minh họa/ INT |
Thời gian làm quen với trường lớp của HS khối lớp khác ngắn hơn, nhưng các em vẫn được hướng dẫn đủ nội dung chuẩn bị cho năm học mới, sách vở, đồ dùng học tập, thói quen và kỹ năng hàng ngày để có thể bắt nhịp với nền nếp học tập ngay sau khai giảng. Trong thời gian này, nhà trường phối hợp với cha mẹ HS lập lại thói quen sinh hoạt, giờ giấc, đồng thời động viên trẻ bước vào năm học mới phấn khởi, vui tươi.
“Để HS có tâm thế thoải mái khi bước vào tiết học đầu tiên của năm học mới, nhà trường bố trí một thời gian nhất định giúp giáo viên chủ nhiệm tổ chức các hoạt động vui vẻ. Chúng tôi cũng xác định, trong tuần đầu tiên HS có thể có những khó khăn nhất định trong thực hiện quy định của nhà trường, lớp. Với những HS này, thay vì phê bình, trách phạt, thầy cô cần quan tâm động viên và chủ động phối hợp với cha mẹ hướng dẫn để các em có ý thức tốt hơn, quen dần với nền nếp học ở trường” - cô Hoàng Thị Bích Thu lưu ý.
Cũng đặc biệt lưu ý thầy cô cần “chuyển tiếp” hợp lý, giúp HS bắt nhịp với việc học, ông Lê Quang Trí, Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cho biết: HS tiểu học đã tựu trường được 2 tuần; bậc học khác tựu trường được 1 tuần. Trong thời gian qua, các trường đã ổn định nền nếp, tổ chức lớp, ôn tập củng cố kiến thức. Do đó, các em có thể bắt nhịp tốt với việc học ngay sau lễ khai giảng. Trong giai đoạn này, thầy cô luôn nhẹ nhàng, động viên, khích lệ HS yêu thích đến trường.
Với An Giang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Tuấn Khanh khẳng định: Ổn định nền nếp là nội dung quan trọng luôn được ngành Giáo dục quan tâm và đưa lên hàng đầu vào thời gian chuẩn bị năm học mới và thời điểm đầu năm học. Trước ngày khai giảng, tất cả cơ sở giáo dục đều hoàn tất việc ôn tập, thi lại cho HS; phân công chuyên môn, phân công giáo viên chủ nhiệm; tổ chức bàn giao HS giữa lớp đầu cấp và các khối lớp; nắm tình hình HS chưa đến trường để phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương huy động, nhanh chóng ổn định nền nếp…
“Sau khai giảng, Sở GD&ĐT thành lập 3 đoàn công tác do các đồng chí phó giám đốc sở làm trưởng đoàn tiến hành kiểm tra “Tháng hành động vì sự nghiệp giáo dục” năm 2022, thanh tra sau khai giảng để nắm bắt tình hình, kịp thời nhắc nhở, đôn đốc thực hiện nền nếp chuyên môn, các khoản thu đầu năm… Trong thời gian tới, trường học trên địa bàn tỉnh cần tích cực đôn đốc HS đi vào nền nếp học tập ổn định; đặc biệt những HS đầu cấp chưa quen với môi trường học tập; duy trì bảo đảm sĩ số; chấp hành nghiêm chỉnh nội quy nhà trường…” - ông Trần Tuấn Khanh cho hay.