Đòi hỏi kiến thức vững chắc, kỹ năng làm bài thành thạo, HS cần phương pháp ôn tập hiệu quả, chiến lược hợp lý để tối ưu hóa điểm môn Hóa học.
Thầy Đặng Xuân Chất, giáo viên Hóa học, Trường THPT Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) cho biết: Các năm học trước, câu hỏi trong đề thi thường được xây dựng dựa trên ma trận đề tương đối rõ ràng về số lượng câu hỏi cho mỗi phần nội dung.
Đề thi năm nay dự đoán được xây dựng dựa trên việc đánh giá được nhiều năng lực học sinh nhất có thể. Do đó, các dạng câu hỏi sẽ đa dạng, phong phú hơn về cách hỏi cũng như về nội dung.
Tuy nhiên theo đánh giá cá nhân, các câu hỏi sẽ vẫn tập trung nhiều hơn vào chương trình lớp 12. Câu hỏi sẽ yêu cầu học sinh hiểu rõ bản chất hóa học thay vì câu hỏi tính toán phức tạp, không có ý nghĩa. Do đó, học sinh cần tập trung ôn luyện thật chắc về lý thuyết cũng như các dạng bài tập tính toán liên quan đến thực tiễn ứng dụng, hay dạng bài liên quan đến thu thập và xử lý số liệu.
Thời điểm này học sinh hầu hết đã hoàn thành chương trình học. Tuy vậy việc thiếu chắc chắn về mặt lý thuyết, thiếu kinh nghiệm trong làm bài tập theo cách ra đề mới khiến thí sinh chưa đạt được kết quả cao trong các kỳ thi thử.
Vì thế, thầy Đặng Xuân Chất cho rằng, trong giai đoạn này, các con cần có chiến lược ôn thi hiệu quả, cá nhân hóa theo khả năng của bản thân, cụ thể như sau:
Tự rà soát, tổng hợp lại được toàn bộ kiến thức đã học trong các năm học. Luyện đề từ các nguồn uy tín, ghi sổ luyện đề lưu lại các lỗi sai mình mắc phải, nguyên nhân sai, nội dung sai. Rút kinh nghiệm từ các lỗi sai trong quá trình luyện đề từ đó bổ sung các kiến thức còn thiếu.
Về nội dung này, thầy Đặng Xuân Chất cho biết: Phần I (trắc nghiệm nhiều đáp án) và một số câu đầu của phần III (trắc nghiệm điền đáp án) thường sẽ tập trung các câu hỏi dễ nên học sinh cần làm chắc chắn phần này trong khoảng thời gian ngắn.
Cần tuyệt đối cẩn thận với các câu hỏi liên quan đến trắc nghiệm đúng sai vì đây sẽ là nơi khiến học sinh có sự phân hóa cao. Chỉ cần một sai lầm nhỏ trong phần này có thể khiến học sinh bị mất một số điểm lớn.
Đối với các câu hỏi thực tiễn, đây là các bài yêu cầu sự đọc hiểu nhưng tính toán không quá khó. Học sinh cần chú ý đến các yếu tố liên quan đến hiệu suất, phần trăm tạp chất cũng như cách làm trong số để đạt được điểm số cao.
“Kỳ thi tốt nghiệp không chỉ là thước đo kiến thức mà còn là cuộc thi về kỹ năng, chiến thuật và bản lĩnh. Hóa học sẽ không quá khó nếu thí sinh biết cách học thông minh, luyện tập đúng trọng tâm và có chiến lược rõ ràng”, thầy Đặng Xuân Chất lưu ý.