Chỉ cần các thí sinh chú ý hơn một chút trong quá trình làm bài thì cơ hội đạt điểm cao là điều các em có thể nắm trong tầm tay.
Để tối ưu hóa điểm số theo năng lực, thí sinh cần lưu ý như sau:
Với các em có lực học ở mức dưới trung bình, trung bình, trung bình khá: Cần hiểu rõ bản thân mình để đặt mục tiêu vừa sức. Ví dụ, với môn Toán, nếu xác định năng lực chỉ đạt được mức khoảng 8 điểm, cần tập trung làm tỉ mỉ, chi tiết, kỹ càng 40 câu đầu trong đề thi. Không mắc những sai lầm đơn giản dẫn đến mất điểm oan như: Nhầm lẫn tính chất, khái niệm; không đọc kỹ đề bài dẫn đến nhầm lẫn; xét không hết các trường hợp; biến đổi sai, tính toán sai; không đặt điều kiện…
Thí sinh làm xong 40 câu này thật cẩn thận thì mới nghĩ tiếp đến việc làm tốt các câu ở phía sau. Tuy nhiên nói như thế không có nghĩa là bỏ qua những câu khó hơn ở phía cuối đề thi, bởi trong những câu khó hơn đó vẫn sẽ có những câu các em có thể làm được. Hãy tận dụng mọi cơ hội dù là nhỏ nhất để nhích điểm lên từng chút một.
Với thí sinh lực học khá giỏi, để đạt được điểm tuyệt đối theo năng lực của mình cần đảm bảo nguyên tắc: Câu dễ không được sai, câu khó làm được số lượng tương đối so với khả năng của mình.
Để đạt được điều này, thí sinh làm cẩn thận từng câu hỏi nhưng cẩn thận phải kèm với tốc độ xử lý nhanh. Với các câu hỏi mức nhận biết, thông hiểu cần tận dụng thật tốt thời gian, để còn dành thời gian cho các câu hỏi mức khó hơn. Bình tĩnh, tự tin, nhanh nhưng không ẩu thì chắc chắn các em sẽ đạt được điểm số cao thậm chí vượt lên năng lực của chính mình. Với các bạn lực học khá giỏi, cần nắm rõ các câu khó có thể trải đều ở tất cả các chủ đề kiến thức.
Ví dụ với môn Toán, các câu khó trải đều ở các chủ đề: Hàm số và bài toán liên quan; Mũ- logarit; Nguyên hàm, tích phân; Số Phức; Thể tích khối đa diện; Khối tròn xoay; Tọa độ không gian. Vì thế, thí sinh phải ôn đều tất cả các chủ đề kiến thức, tuy nhiên các em nắm xem thế mạnh các em ở phần chủ đề nào thì các em tập trung làm những câu ở chủ đề đó nhiều hơn.
Giữ sức khỏe, sẵn sàng tâm thế
Thời điểm này, thí sinh cần có kế hoạch nghỉ ngơi hoạt động thể dục thể thao hợp lý để nâng cao sức khỏe, đầu óc minh mẫn. Cùng với đó, các em cần ôn lại một lượt tất cả các kiến thức cơ bản, thuộc hết lý thuyết, không luyện đề và cũng không học các câu vận dụng cao, không tham gia xem các buổi livestream của người khác trên mạng xã hội, đặc biệt là buổi tối trước hôm diễn ra kỳ thi- bởi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý.
Hãy tự tạo cho mình sự thoải mái nhất có thể bằng các hoạt động như xem 1 tiểu phẩm hài, đi dạo nơi có nhiều cây xanh mát mẻ…
Bên cạnh đó, các em cũng cần cân đối xem các môn mình còn chỗ nào cần xem lại kiến thức, nếu chưa nhớ hết kiến thức thì cần xem lại luôn.
Không nên “bỏ hết trứng vào cả một giỏ”. Một môn thi không thể quyết định cho cả kỳ thi. Vì vậy, các em cần dàn đều thời gian ôn tập cho các môn. Cố gắng hết khả năng và đừng quá lăn tăn nếu kết quả chưa được như ý bởi vì thành công sẽ đến với người luôn nỗ lực, kiên trì .
Chính bản thân phụ huynh thời điểm này cũng cần giữ vững tinh thần cho bản thân và tạo tâm trạng vui vẻ cho con em. Phụ huynh học sinh không nên đặt nặng vấn đề đậu - rớt vào con em mình, chỉ cần ở bên, chăm sóc cho con thật tốt về mặt sức khỏe cũng như tinh thần. Đồng thời, hãy tạo niềm tin cho con rằng con sẽ làm được. Không liều thuốc nào tốt bằng sự động viên, sẽ giúp các em chữa được bệnh căng thẳng và lo lắng. Sức khỏe tốt và tâm lý thoải mái luôn là điều quan trọng nhất với các em lúc này.
Các em cần có kế hoạch học tập cụ thể theo từng giờ để tận dụng được khoảng thời gian ngắn ngủi còn lại, thì mới có thể mong ước đạt được điểm số cao theo mong muốn. Vấn đề quyết định vẫn là kiến thức cơ bản vững chắc cùng với đó là tâm lý đi thi phải vững vàng. Thông qua cả một quá trình ôn thi dài ngày, chắc chắn đến thời điểm này các em đa phần đều đã sẵn sàng để bước vào kì thi.