Giúp trẻ nuôi dưỡng lòng kính trọng với thầy cô

20/12/2023, 08:28
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Chắc hẳn, mỗi chúng ta đều đã nghe và được dạy về đạo lý kính trọng, nhớ ơn thầy cô. Đó là biểu hiện của truyền thống “tôn sư trọng đạo” trong văn hóa giáo dục Việt Nam, dù ở bất kỳ thời đại nào.

Trước hết, phụ huynh cần bắt đầu dạy trẻ về lòng biết ơn. Bởi, biết ơn là bài học đầu tiên và căn bản nhất cho mọi đứa trẻ. Đối với một đứa trẻ, biết ơn không chỉ là nền tảng của truyền thống tôn sư trọng đạo, mà còn là nhân tố cơ bản cho sự phát triển nhân cách ngày càng hoàn thiện. Cha mẹ có thể định hướng phát triển lòng biết ơn cho trẻ ngay từ những năm đầu đời, bắt đầu từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Với trẻ mầm non, cha mẹ có thể dạy cho bé về lòng biết ơn thầy cô bằng cách nói cảm ơn giáo viên. Đồng thời, tạo cơ hội cho trẻ bày tỏ lòng biết ơn. Trò chyện với bé về những điều thầy cô đã làm cho bé và gợi ý trẻ bày tỏ lòng biết ơn bằng cách hỏi những câu hỏi như: “Con đã cám ơn cô chưa?” hoặc “Con có thích cô chơi với con không?”…

Một yếu tố quan trọng khác để nuôi dưỡng tình yêu thương ở trẻ đối với thầy cô là dạy bé chào hỏi và thưa gửi. Cụ thể, chào thầy cô giáo là một thói quen tốt giúp trẻ tôn trọng việc học tập của chính mình. Khi đến lớp, cha mẹ hãy yêu cầu bé chào thầy cô giáo. Khi ra về, phụ huynh cần nhắc trẻ: “Con chào cô chưa?”. Việc nhẹ nhàng nhắc nhở bé có thể giúp trẻ hình thành thói quen chào hỏi và thưa gửi một cách lễ phép. Khi đã quen, trẻ sẽ tự giác chào hỏi thầy cô. Đó cũng là một trong những yếu tố giúp trẻ biết yêu quý, kính trọng thầy cô hơn.

Việc trẻ biết yêu quý, lắng nghe và lễ phép với thầy cô còn thể hiện một sự phát triển đúng đắn về nhận thức. Ảnh minh họa
Việc trẻ biết yêu quý, lắng nghe và lễ phép với thầy cô còn thể hiện một sự phát triển đúng đắn về nhận thức. Ảnh minh họa

“Một cách khác để dạy bé hình thành thói quen chào hỏi chủ động hơn, đó là thay vì nhắc con “Con chào cô đi”, mẹ sẽ chào bằng tên của con: “Bé Nam chào cô ạ!”. Khi về nhà, mẹ sẽ cùng bé chơi trò đóng vai. Quy ước rằng, cách chào cúi đầu, khoanh tay là cách chào “yêu quý” với người lớn. Trong khi đó, cách cười tươi, đưa bàn tay bé xíu lên vẫy vẫy là cách chào “dễ thương” với bạn bè. Sau đó, khi gặp thầy cô, mẹ có thể thì thầm với bé “Chào cô bằng cách nào con nhỉ?”, các bé sẽ rất sẽ tự hào chào hỏi lễ phép với thầy cô giáo”, giáo viên Mai Chi gợi ý.

Đặc biệt, trong trường hợp trẻ có hành vi không đúng mực, cha mẹ cần thể hiện thái độ nghiêm khắc. Điều quan trọng là không bao giờ bỏ qua những câu nói không đúng của bé dù với bất kỳ người lớn nào. Mỗi khi thấy trẻ phạm lỗi ấy, phụ huynh nhất định phải rất nghiêm túc, cứng rắn nói chuyện với trẻ. Đồng thời, dạy cho con biết thái độ đó đáng trách như thế nào. Ví dụ, khi bé gọi thầy cô bằng những danh từ không đúng, mẹ cần nghiêm khắc sửa lại.

Phụ huynh không nên chỉ nói với con là: “Không được nói như vậy!”. Thay vào đó, cần phân tích cho bé hiểu tại sao thái độ đó lại không tốt. Trẻ em đôi khi nói những từ mà mình không hiểu rõ, cha mẹ cần tìm hiểu nguyên nhân trước nếu muốn giải quyết tận gốc vấn đề.

“Khi trẻ tái phạm, cha mẹ hãy nhắc nhở con thật nghiêm khắc. Nếu thấy cần thiết, hãy đề ra một số hình phạt cho trẻ. Đồng thời, hãy kể cho con nghe nhiều những câu chuyện về thầy cô, cũng như thái độ ứng xử đúng mực trẻ cần có đối với giáo viên. Phụ huynh nên nhớ là, không nên nói một cách khô khan, giáo điều. Thay vào đó, hãy tìm cách thể hiện thật xúc động đủ sức để trẻ có thể nhận ra lỗi của mình”, nữ giáo viên cho biết.

Một yếu tố không kém phần quan trọng là cha mẹ cần làm gương cho trẻ. Bởi, thực tế, trẻ em thường có xu hướng bắt chước hành động và lời nói của những người thân trong gia đình. Vì vậy, cha mẹ là những tấm gương tuyệt vời để bé noi theo. Nếu cha mẹ thường xuyên bày tỏ sự yêu mến và biết ơn với thầy cô giáo của mình và của con, điều đó sẽ ảnh hưởng rất tích cực đến lòng biết ơn của trẻ.

Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần tuyệt đối không bao giờ nói những điều không tốt đẹp về thầy cô trước mặt con. Cha mẹ nên thể hiện cho trẻ thấy sự tôn trọng của mình đối với thầy cô. Nếu từ bé, trẻ đã được nghe những câu nói không tốt về thầy cô thì việc bé bắt chước theo cha mẹ không phải là điều khó hiểu. Cha mẹ cần tránh nói về những tiêu cực giáo dục trước mặt con trẻ. Tuy trẻ chưa thể hiểu hết, nhưng những điều cha mẹ nói có thể ảnh hưởng rất lớn tới thái độ của bé.

“Giúp trẻ hình thành sự lễ phép, lòng kính yêu, tôn trọng thầy cô là một việc làm đáng khích lệ. Không phải cứ đến ngày Nhà giáo Việt Nam, phụ huynh và trẻ mới thể hiện điều đó. Thực tế, truyền thống “tôn sư trọng đạo” cần là biểu hiện chân thành theo mỗi đứa trẻ đến suốt cuộc đời”, giáo viên Mai Chi nhấn mạnh.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/giup-tro-nuoi-duong-long-kinh-trong-voi-thay-co-post665219.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/giup-tro-nuoi-duong-long-kinh-trong-voi-thay-co-post665219.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giúp trẻ nuôi dưỡng lòng kính trọng với thầy cô