Đề xuất những biện pháp giúp phòng tránh các vấn đề sức khỏe tâm thần cho học sinh, các đại biểu cho rằng, đối với gia đình và nhà trường, phụ huynh cần theo dõi giấc ngủ của con em vì các rối loạn tâm thần thường gây ra mất ngủ. Bên cạnh đó nên tìm hiểu nguyên nhân gây ra chứng mất ngủ ở trẻ và tìm hướng giải quyết. Đồng thời khuyến khích học sinh nói ra vấn đề của mình, cùng trẻ tìm ra giải pháp để giải quyết vấn đề.
Ngoài ra, cần tránh đặt kỳ vọng quá cao ở trẻ, gây ra áp lực lớn trong học tập. Thay vào đó, nên tạo môi trường thân thiện, thoải mái, lành mạnh, sắp xếp lịch học tập và thi cử hợp lý, khoa học.
Học sinh cần xây dựng thời gian biểu học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý, khoa học, tránh học quá nhiều, dồn nén sẽ dẫn đến kết quả học tập không tốt. Đồng thời rèn luyện cách suy nghĩ tích cực, cố gắng giải quyết vấn đề. Cùng với đó là học cách đối thoại, trình bày vấn đề của bản thân với gia đình và nhà trường. Tăng cường các hoạt động thể thao, ăn uống lành mạnh, tránh các thói quen không tốt như thức khuya, chơi game, sử dụng các chất kích thích…
Bà Nguyễn Bích Thủy, đại diện Vụ Công tác Chính trị – HSSV (Bộ GD&ĐT), cũng nêu khi khảo sát thực tế ở các địa phương cho thấy, thực tế giáo viên chuyên trách về tư vấn tâm lý học đường còn thiếu. Có những trường, do kiêm nhiệm nên năm nay bố trí giáo viên này phụ trách tư vấn tâm lý đi tập huấn, nhận chứng chỉ. Nhưng sang năm lại đổi sang giáo viên khác trong khi giáo viên này chưa từng được tập huấn nghiệp vụ, cũng không có kinh phí cho việc tập huấn lại như vậy ở một trường.
Bà Thủy thông tin, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ sửa các thông tư liên quan đến tâm lý học đường, công tác xã hội trong trường học để phù hợp hơn với tình hình thực tế.
Đồng quan điểm, bà Vũ Thị Hoa, đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), nhận định, hiện chúng ta mới quan tâm đến việc điều trị khi đã xảy ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần trẻ em chứ chưa quan tâm đến việc phòng ngừa. Trong khi đó, tất cả các vấn đề về tâm lý ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt, thậm chí là tính mạng của trẻ.
Đại diện Vụ Gia đình (Bộ VH-TT&DL) cũng cho rằng, việc có hơn 60% trẻ em gọi đến tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em nói đang bị áp lực học hành, 8% nói bị bạo lực gia đình, hơn 30% nói bố mẹ không quan tâm… Điều đó cho thấy, cần có chương riêng về bảo vệ trẻ em trong gia đình khi sửa Luật Hôn nhân và gia đình sắp tới.
Giáo sư Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), chỉ ra rằng, quan sát suốt thời gian qua cho thấy, khi mỗi sự việc liên quan đến sức khỏe tâm thần của học sinh xảy ra, chúng ta thường gắn nguyên nhân với nguyên cớ.
Theo Giáo sư Thanh, nếu cứ giải quyết theo nguyên cớ của từng vụ việc thì sẽ không bao giờ đủ và không giải quyết được gốc rễ của vấn đề. Không thể đòi hỏi một cuộc sống không có áp lực hay stress vì đó là điều không tưởng. Tuy nhiên, cần chuyên gia chỉ ra thế nào là áp lực quá ngưỡng chịu đựng. Muốn như vậy cần có thống kê đầy đủ hơn để có bức tranh toàn diện khi đưa ra các quyết sách có liên quan đến vấn đề này.
____________________________________________
(Bài 2: Hàng triệu trẻ em cần chăm sóc sức khỏe tâm thần)