Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phương pháp đào tạo theo năng lực thực hiện, có kết hợp với các phương pháp dạy nghề truyền thống còn hiệu quả. Chương trình đào tạo đã được thiết kế chủ yếu theo tích lũy mô-đun, tín chỉ; do đó cần khuyến khích, đẩy mạnh xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo có khả năng giảng dạy tích hợp.
Nhà giáo cần đáp ứng về trình độ đào tạo, năng lực sư phạm, đặc biệt kỹ năng nghề. Đối với giáo viên dạy các nghề tiếp cận trình độ khu vực và quốc tế, cần có năng lực tương thích với năng lực nhà giáo của các nước tiên tiến trong khu vực cũng như trên thế giới. Từ đó, đào tạo được học sinh, sinh viên cùng trình độ và cùng mặt bằng chất lượng.
Tôi cho rằng, để thực hiện triết lý trên, việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDNN cần đáp ứng tình hình mới. Theo đó, phải đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo và bảo đảm chất lượng ở các trình độ khác nhau.
- Ở Việt Nam có những mô hình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDNN như thế nào?
- Đối với nhà giáo dạy các nghề trọng điểm cấp độ quốc tế và khu vực ASEAN, cần tổ chức đào tạo, bồi dưỡng (trong nước và ngoài nước) cho họ theo chương trình tiên tiến của nước ngoài. Trong đó, chú trọng theo hướng đào tạo kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm dạy nghề quốc tế, ngoại ngữ, công nghệ thông tin. Từ đó trang bị cho nhà giáo có năng lực tương thích với năng lực nhà giáo từng nghề của các nước tiên tiến trong khu vực, quốc tế, bảo đảm số lượng và chất lượng.
Đối với nhà giáo dạy các nghề được đầu tư trọng điểm cấp độ quốc gia và các nghề khác ở các trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp; cần đào tạo, bảo đảm đạt chuẩn về trình độ đào tạo, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm theo quy định tại Luật GDNN. Mặt khác, bồi dưỡng các chuyên đề khác để nâng cao năng lực nghề nghiệp cho các nhà giáo.
Đối với kỹ sư, người lao động giỏi, nghệ nhân có chuyên môn, kỹ năng, kinh nghiệm, cần lựa chọn tham gia dạy nghề các mô hình trong doanh nghiệp, chủ yếu dạy nghề cho lao động nông thôn. Họ được đào tạo về nghiệp vụ sư phạm công nghệ mới và các chuyên đề cần thiết khác.
Đối với các cơ sở đào tạo giáo viên GDNN theo hai mô hình cơ bản là, đào tạo mạch thẳng hoặc đào tạo nối. Tuy nhiên, chủ yếu đào tạo nối về kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm cho giáo viên GNDN hoặc các đối tượng đã có trình độ muốn trở thành giáo viên GDNN.
Một lớp học của Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Hàn Quốc, Trường Cao đẳng Công nghệ Bách khoa Hà Nội. |
- Ông có đề xuất gì về công tác quy hoạch, phát triển, nâng cao năng lực mạng lưới cơ sở đào tạo nhà giáo GDNN?
- Tôi cho rằng, cần quy hoạch, phát triển, nâng cao năng lực mạng lưới cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo GDNN. Cần sớm thành lập Học viện GDNN để tăng cường năng lực nghiên cứu khoa học về dạy nghề; đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý GDNN. Chú trọng đào tạo gắn liền với nghiên cứu, nâng cao năng lực các cơ sở đào tạo.
Bên cạnh đó, cần bồi dưỡng nhà giáo đã có, hình thành thêm một số khoa sư phạm dạy nghề tại một số trường cao đẳng mạnh để bồi dưỡng, đào tạo nhà giáo GDNN. Trong đó, chủ yếu cho đào tạo kỹ năng nghề mà các cơ sở khác chưa có điều kiện tổ chức đào tạo. Mặt khác, xây dựng các trung tâm đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho nhà giáo GDNN.
Ngoài ra, cần nâng cao năng lực, đổi mới hoạt động của các trường sư phạm kỹ thuật, các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên GDNN. Phát triển chương trình theo hướng tăng thời lượng rèn luyện kỹ năng nghề, phương pháp giảng dạy bộ môn, mô-đun, tín chỉ. Tổ chức đào tạo xen ghép giữa học trong trường và đi thực tế ở các doanh nghiệp…
Đồng thời, nâng cao chất lượng hợp tác quốc tế nhằm phát triển đội ngũ nhà giáo GDNN. Định kỳ 2 năm nhà giáo GDNN đi thực tế sản xuất tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ 2 đến 5 năm, nhà giáo GDNN được bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề, công nghệ mới, phương pháp giảng dạy. Khuyến khích nhà giáo tự học, tự nâng cao năng lực và nâng cao chất lượng giảng dạy.
- Xin cảm ơn ông!