“ĐHQG Hà Nội từ vài năm trở lại đây đã được đầu tư kinh phí để thực hiện đề án áp dụng thí điểm cơ chế tài chính nâng cao chất lượng đào tạo với các ngành khoa học cơ bản. Tháng 7/2022, Giám đốc ĐHQG Hà Nội đã phê duyệt Chương trình học bổng cho các ngành khoa học cơ bản từ năm học 2022 - 2023 nhằm thu hút học sinh giỏi, xuất sắc vào chương trình ươm tạo nhà khoa học của ĐHQG Hà Nội”, PGS Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết.
Theo PGS.TS Nguyễn Thị Hồng Minh, để khuyến khích, hỗ trợ sinh viên theo học một số ngành khoa học cơ bản, Chính phủ đã có quy định về việc miễn, giảm học phí cho người theo học các ngành này. Tuy nhiên, các trường cũng cần có những chính sách ưu đãi riêng.
Những giải pháp đầu tư, chính sách đãi ngộ sẽ có hiệu quả và thu hút người học. Tuy nhiên, đó mới chỉ góc độ đầu vào, cần thiết có sự đồng bộ trong quá trình đào tạo và sử dụng sản phẩm đầu ra. Trường được đầu tư cần nỗ lực trong hoạt động tổ chức đào tạo, giữ chân người học với ngành học, trang bị đủ kĩ năng và kiến thức cần thiết theo chuẩn đầu ra kì vọng.
Bên cạnh đó, cũng cần có cơ chế, công cụ để đánh giá năng lực, thiên hướng của người học để có thể phân nhóm người học, xác định họ có tố chất đi vào nghiên cứu chuyên sâu hay không, để các suất đầu tư đạt hiệu quả. Đầu tư kinh phí cho đội ngũ giảng viên, nhà khoa học cũng cần được nâng lên để khuyến khích việc biên soạn giáo trình, chất lượng giảng dạy.
Xã hội cũng cần chung tay đảm bảo đồng bộ đầu vào và đầu ra của quá trình đào tạo. Các cơ quan hữu trách cần có dự báo và đặt hàng cụ thể về nhân lực khoa học cơ bản cần bổ sung, đảm bảo quyền lợi trước mắt và lâu dài của nguồn nhân lực cơ bản, được đào tạo tinh hoa bằng những thiết chế về tuyển dụng, đãi ngộ; Đảm bảo người tốt nghiệp, đạt được chuẩn năng lực nghề nghiệp hay được tuyển dụng sẽ có mức thu nhập đảm bảo cuộc sống, tiếp tục tâm huyết với ngành nghề, nâng cao trình độ và đóng góp.
Nhà nước có quy định kèm theo chế tài hạn chế hoặc thậm chí xử lí pháp luật đối với các đơn vị sử dụng nguồn nhân lực được đầu tư đào tạo mà không chi trả phù hợp, coi nhẹ đầu tư khoa học cơ bản của Nhà nước. Làm được như vậy thì ngay từ khâu tuyển sinh, yếu tố nghề nghiệp đã là tiêu chí để xem xét chọn người học, đồng thời tạo động lực cho sinh viên.
Theo PGS Nguyễn Thị Hồng Minh, số lượng sinh viên nhập học các chương trình đào tạo khoa học cơ bản giai đoạn 2014 đến 2018, đến nay đã hoàn thành chương trình đào tạo và tốt nghiệp có tỉ lệ trung bình khoảng 60%. Có thể thấy đây là tỉ lệ khôg cao, tuy nhiên so với tỉ lệ trung bình tốt nghiệp của tất các ngành đào tạo trong năm của trường trong cùng giai đoạn chỉ đạt 47%.