Gỡ khó dạy học tích hợp tại các trường miền núi và vùng DTTS

19/09/2023, 18:11
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Để việc dạy học tích hợp đem lại hiệu quả, các thầy cô giáo và học sinh trường miền núi đã và đang nỗ lực mỗi ngày khắc phục những khó khăn.

Gỡ khó cho dạy học tích hợp ở vùng cao

Năm học 2023 - 2024 là năm học thứ 3 các THCS triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, trong đó việc giảng dạy một số môn học tích hợp gồm: Lịch sử và Địa lý, môn Khoa học tự nhiên (tích hợp 3 môn: Hóa học, Sinh học, Vật lý).

Trong điều kiện đội ngũ giáo viên hầu hết chỉ được đào tạo đơn môn nên việc triển khai dạy các môn tích hợp phần nào gây khó khăn cho chính giáo viên và các nhà trường. Tuy nhiên, với yêu cầu nhiệm vụ, đội ngũ giáo viên và các nhà trường, trong đó có các trường học vùng cao đã nỗ lực khắc phục khó khăn trong giảng dạy các môn tích hợp.

Cô giáo Lê Thị Kim Chung, Hiệu trưởng trường THCS Trung Lương, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Năm học 2023 – 2024 trường có tổng 267 học sinh với 8 lớp, cơ sở vật chất trang thiết bị nhà trường được quan tâm đầu tư, trang thiết bị khá đầy đủ, các phòng học đều được lắp đặt tivi, trường có một phòng tin học với 21 máy vi tính.

Năm nay là năm thứ 3 triển khai dạy học theo chương trình GDPT 2018, không phủ nhận những ưu điểm của việc dạy học tích hợp, tuy nhiên quá trình dạy và học giáo viên và học sinh gặp không ít khó khăn như khó bố trí giáo viên có chuyên môn, thời khoá biểu, soạn bài giảng…

Theo cô Chung đối với bậc THCS, cái khó khi dạy những môn học tích hợp là giáo viên phải học thêm kiến thức của những môn khác. Nếu trước đây, trong chương trình có môn Vật lý, môn Hóa và môn Sinh thì giờ đây trong chương trình mới, tích hợp lại là môn Khoa học tự nhiên. Đối với các môn Lịch sử, Địa lý riêng thì tích hợp lại thành một là môn Lịch sử-Địa lý. Dạy học tích hợp là dạy theo từng chủ đề, đòi hỏi ở giáo viên rất sâu ở trình độ chuyên môn, kiến thức rất chuẩn xác thì mới có thể truyền đạt bài giảng cho học sinh.

Để gỡ khó trong dạy học môn tích hợp, cô Chung cho rằng, mỗi thầy cô giáo phải là người giữ vai trò quan trọng trong việc chuyển tải tinh thần của chương trình GDPT mới tới các em học sinh. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực, chủ động, tâm huyết của các trường, các thầy cô giáo trong việc cần thay đổi tư duy, phương pháp giảng dạy; bồi dưỡng năng lực thường xuyên, tìm tòi, nghiên cứu kiến thức.

Với đặc thù là trường miền núi, tỷ lệ học sinh người DTTS đông hiện nay thầy và trò trường THCS Trung Lương, huyện Định Hoá cũng đang nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, tạo mọi điều kiện để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ. ảnh 1

Với đặc thù là trường miền núi, tỷ lệ học sinh người DTTS đông hiện nay thầy và trò trường THCS Trung Lương, huyện Định Hoá cũng đang nỗ lực làm tốt công tác tuyên truyền, tạo mọi điều kiện để giáo viên hoàn thành nhiệm vụ.

Ngoài ra, với đặc thù là trường miền núi, tỷ lệ học sinh người DTTS đông, trường còn thiếu giáo viên, các thầy cô hầu như phải thêm giờ, thêm tiết, soạn nhiều bài hơn, vất vả hơn. Hiện nay, nhà trường cũng đang cố gắng làm tốt công tác tuyên truyền, động viên, tạo mọi điều kiện cho giáo viên hoàn thành nhiệm vụ.

Cần có thời gian và lộ trình để thích ứng

Cô giáo Hoàng Thị Phương Thảo, Tổ trưởng tổ KHTN, trường THCS Trung Lương, huyện Định Hoá, tỉnh Thái Nguyên chia sẻ: Tốt nghiệp chuyên môn Toán Lý, trường Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên và học xong Đại học sư phạm Toán vào năm 2010. Cô Thảo hiện đang dạy Toán lớp 7, môn KHTN lớp 7 (phân môn Vật lý ) và Công nghệ lớp 6.

Cô Thảo cho biết: Do chưa được đào tạo về chuyên ngành KHTN nên quá trình giảng dạy cho học sinh gặp không ít khó khăn, hiện ở trình độ lớp 6, lớp 7, các thầy cô có thể tự tìm hiểu kiến thức và dạy học sinh nhưng lên đến lớp 8, lớp 9 thì khó mà đáp ứng được yêu cầu. Để “gỡ khó”, hiện trường đang vận động và khuyến khích giáo viên tham gia các lớp đào tạo ngắn hạn dạy môn tích hợp. Trong vài tháng, giáo viên sẽ học thêm kiến thức của các môn còn lại để dạy tích hợp. Tuy nhiên, giải pháp này cũng chưa bảo đảm hoàn toàn rằng giáo viên có thể dạy tốt môn tích hợp.

Từ góc độ thực tế có thể thấy, việc dạy học tích hợp đã được đưa vào thực hiện trong nhiều năm qua, giúp học sinh phát huy rất tốt kỹ năng, giải quyết vấn đề thực tiễn một cách nhanh chóng, việc dạy học tích hợp cũng góp phần lược bỏ kiến thức trùng lặp ở nhiều môn, giảm tải chương trình học cho giáo viên và học sinh. Tuy nhiên, để có thể dạy và học tốt chương trình mới vẫn cần có thời gian và lộ trình cụ thể để các nhà trường, giáo viên và học sinh cùng thích ứng.

Năm học 2023- 2024, huyện Định Hoá có tổng số lớp, nhóm lớp trên địa bàn là 835 với tổng số 23.415 học sinh trong đó học sinh người DTTS chiếm trên 85%. Khối các trường Mầm non, tiểu học, THCS là 767 nhóm lớp (cấp mầm non 237, cấp tiểu học 335, cấp THCS 195) với tổng số học sinh 20.410 (cấp mầm non 5670, cấp tiểu học 8419, cấp THCS là 6321). Khối THPT 56 lớp với 2.446 học sinh, trung tâm GDTX-GDNN 12 lớp với 559 học sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó dạy học tích hợp tại các trường miền núi và vùng DTTS