Gỡ khó trong giảng dạy phòng, chống tham nhũng

03/10/2023, 10:05
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dù còn khó khăn, nhiều trường phổ thông ở TPHCM đã nỗ lực đa dạng hóa nội dung, làm phong phú thêm hình thức giảng dạy, phòng chống tham nhũng.

Nội dung phòng, chống tham nhũng được Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở Bình Dương) truyền tải qua các hoạt động trải nghiệm. ảnh 1
Nội dung phòng, chống tham nhũng được Trường Tiểu học - THCS - THPT Ngô Thời Nhiệm (cơ sở Bình Dương) truyền tải qua các hoạt động trải nghiệm.

Bổ sung tài liệu giảng dạy

Thầy Huỳnh Linh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học-THCS-THPT Ngô Thời Nhiệm cho biết, trong các tiết học phòng chống tham nhũng, học sinh được tham gia vào bài giảng với vai trò chủ động nhất, các em được nói lên hiểu biết, suy nghĩ của mình về những vấn đề liên quan đến tham nhũng, nhận biết được biểu hiện của tham nhũng gần gũi trong cuộc sống hằng ngày, nhưng quan trọng nhất là học sinh có ý thức xây dựng con người trung thực, tự trọng, biết tôn trọng tập thể, có tinh thần yêu nước và dũng cảm đấu tranh tố giác cái xấu.

“Giáo dục phòng, chống tham nhũng trong nhà trường là nội dung cần được giáo dục thường xuyên vì vậy cần thêm nhiều tài liệu hướng dẫn và sự tính toán, phối hợp nhiều bộ môn để xây dựng, triển khai các chuyên đề, hoạt động ngoại khóa một cách đồng bộ, hiệu quả.

Tuy nhiên, giáo viên phải thận trọng khi chọn lọc các dẫn chứng, câu chuyện thực tế để đưa vào bài học. Một bài dạy cần biên soạn thận trọng, ngoài những nội dung cơ bản về tham nhũng như: Khái niệm, nguyên nhân, tác hại, biện pháp phòng, chống, trách nhiệm của học sinh... thì việc lồng ghép những câu chuyện thực tế về tham nhũng phải tinh tế để các em góc nhìn đa chiều về cuộc sống nhưng cũng biết tiếp cận thông tin một cách văn minh và không mất niềm tin vào xã hội, thiếu tôn trọng người lớn”, thầy Sơn chia sẻ.

Tương tự, cô Phạm Thị Thanh Ngoan, giáo viên môn Giáo dục công dân Trường THPT Trần Quang Khải (Quận 11) nhận định, nội dung phòng chống tham nhũng hiện mới chỉ lồng ghép, thời lượng ít, không có kiến thức đồng bộ thống nhất. Chính vì vậy dẫn đến việc mỗi giáo viên khai thác và dạy một kiểu khác nhau. Bên cạnh đó, thời lượng dạy ít nên những gì cần trang bị cho học sinh còn chưa được nhiều…

“Vì vậy, Bộ GD&ĐT cần biên soạn và cấp tài liệu, thông tin chính thống về các sự kiện, nhân vật, bằng chứng vi phạm tham nhũng để giáo viên có minh chứng khi dạy. Có được tư liệu dạy học đồng bộ, thời lượng hợp lý, giáo viên sẽ chủ động hơn trong việc chuyển tải nội dung phòng chống tham nhũng đến học sinh. Ngoài ra cần ban hành hướng dẫn việc dạy học tích hợp phòng chống tham nhũng đối với môn học Giáo dục kinh tế và pháp luật của Chương trình GDPT 2018”, cô Ngoan đề xuất.

Cô Nguyễn Thị Hồng chia sẻ: “Dù tích hợp hay lồng ghép, mục đích cuối cùng vẫn là sự thay đổi nhận thức, truyền cảm hứng cho học sinh theo những hành vi tích cực. Việc đưa nội dung phòng chống tham nhũng vào giảng dạy ở trường học hữu ích, qua đó góp phần giáo dục học sinh tự mình tu dưỡng, rèn luyện những đức tính tốt, không tham lam, lãng phí. Đồng thời, các em biết được những hành vi xấu mà xa lánh, tránh vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật…”.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/go-kho-trong-giang-day-phong-chong-tham-nhung-post655284.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/go-kho-trong-giang-day-phong-chong-tham-nhung-post655284.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó trong giảng dạy phòng, chống tham nhũng