Giáo dục

Gỡ khó vấn đề tiền ăn bán trú cho trường trung tâm tại TPHCM

02/08/2024 15:37

Từ năm học 2024 - 2025, ngoài 9 khoản thu dịch vụ được Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM duyệt, nhiều khoản thu còn lại sẽ theo thỏa thuận,

Từ năm học 2024 - 2025, ngoài 9 khoản thu dịch vụ được Hội đồng nhân dân (HĐND) TPHCM duyệt, nhiều khoản thu còn lại sẽ theo thỏa thuận, trong đó có tiền ăn bán trú. Chính sách này đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều trường học, đặc biệt cơ sở giáo dục ở khu vực trung tâm.

Nhiều khoản thu theo thỏa thuận

Kỳ họp lần thứ 17 HĐND TPHCM khóa X diễn ra trong tháng 7/2024 đã nhất trí thông qua Nghị quyết quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục của các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố trong năm học 2024 - 2025.

Mức thu được chia rõ cho các trường học từ cấp mầm non đến THPT tại 2 khu vực gồm: Nhóm 1 (TP Thủ Đức và các Quận: 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và Bình Tân); nhóm 2 (các huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh).

Theo Nghị quyết, sẽ có 9 khoản thu dịch vụ được HĐND TPHCM quy định mức thu, bao gồm: Dịch vụ tổ chức phục vụ, quản lý và vệ sinh bán trú; phục vụ ăn sáng; chăm sóc, nuôi dưỡng ngoài giờ; nhân viên nuôi dưỡng; khám sức khỏe học sinh ban đầu; sử dụng máy lạnh; tiện ích ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; đưa rước học sinh bằng xe ô tô.

Ngoài các khoản thu được quy định tại văn bản trên, 15 khoản thu còn lại sẽ được các cơ sở giáo dục thực hiện thu theo hình thức thỏa thuận gồm: Suất ăn bán trú của học sinh, tổ chức dạy tăng cường ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, câu lạc bộ, STEM, bơi lội, tiền dạy học theo đề án, tiền thực hiện chương trình kích cầu đầu tư, tiền mua sắm thiết bị, vật dụng phục vụ bán trú, đồng phục, học liệu, tiền giữ xe.

Ông Hồ Tấn Minh - Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đối với suất ăn bán trú và khoản thu khác không được quy định tại nghị quyết của HĐND TPHCM, các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế, thỏa thuận với phụ huynh để xây dựng mức thu. Nội dung này được thực hiện căn cứ quy định tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 81/2021 của Chính phủ.

Các cơ sở giáo dục căn cứ vào tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung, bảo đảm nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế năm học. Tỷ lệ tăng mức thu (nếu có) không quá 15% so với năm học 2023 - 2024.

go kho cho truong trung tam (2).jpg
Bữa ăn bán trú của học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Quận 1). Ảnh: MA

Đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh

Năm học 2023 - 2024, Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM về quy định các khoản thu và mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với những dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trường công lập năm học 2023 - 2024 đã giúp các cơ sở giáo dục có căn cứ để dự toán thu chi và là cơ sở xây dựng kế hoạch thu, các loại hình thu. Từ đó, trường học thực hiện các khoản thu hộ, chi hộ trong năm học chi tiết, rõ ràng, tránh tình trạng lạm thu. Việc làm này tạo được sự công khai, minh bạch để phụ huynh nắm bắt, giám sát các khoản thu.

Trong đó, mức thu tối đa tiền suất ăn trưa bán trú đối với nhóm 1 mỗi học sinh là 35.000 đồng/ngày và 32.000 đồng/học sinh/ngày đối với nhóm 2. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, nhiều trường học nhận thấy, mức thu 35.000 đồng/suất chưa phù hợp, khó cân đối để đảm bảo tốt chất lượng dinh dưỡng cho bữa ăn, nhất là đối với những trường ở khu vực trung tâm của TPHCM.

Thực tế, các cơ sở giáo dục trên địa bàn quận đều mong muốn được tăng tiền ăn bán trú, từ 35.000 lên 40.000 đồng/học sinh và có giá sàn, giá trần. Từ đó, tùy điều kiện cơ sở giáo dục và phụ huynh học sinh, nhà trường tính toán mức giá phù hợp để đảm bảo chất lượng, khẩu phần dinh dưỡng, chăm lo thể chất học sinh.

Cô Nguyễn Đoan Trang - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) cho biết, năm học 2022 - 2023 trường thu tiền ăn chung là 40.000 đồng/ngày, cân đối bữa trưa và xế trong đó. Tính trung bình, bữa xế với bánh ngọt hay hộp sữa nhỏ… trị giá khoảng 5.000 đồng. Năm học trước, tiền ăn thu theo quy định là 35.000 đồng, tương đương với tiền bữa trưa của năm học trước đó. Do vậy, khẩu phần ăn bữa ăn trưa không thay đổi, tuy nhiên không còn bữa xế.

“Nghị quyết của HĐND TPHCM vừa thông qua đã tạo điều kiện cho các trường trong việc thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục trong năm học mới. Giá cả thị trường ngày một tăng nên việc thu tiền suất ăn bán trú theo thỏa thuận sẽ tạo điện kiện cho các trường lên thực đơn phong phú hơn.

Tuy nhiên, nhà trường cũng như các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ UBND Quận 1. Riêng với Trường THCS Nguyễn Du, nếu tiền ăn bán trú được thu theo thỏa thuận nhà trường cũng đề xuất mức thu 40.000 đồng như năm học 2022 - 2023 trở về trước”, cô Trang cho hay.

Tương tự, theo thầy Đinh Hữu Đắc - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn (Quận 3), ngoài 9 khoản thu đã được quy định vừa được HĐND TPHCM thông qua, nhiều khoản thu theo hình thức thỏa thuận, trong đó có tiền ăn bán trú thực sự đã tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục nhất là những trường ở khu vực trung tâm trong việc thu chi nhằm phù hợp với điều kiện địa bàn.

Ở góc độ phụ huynh, chị Nguyễn Thị Thúy Hằng, có con theo học tại một trường tiểu học tại Quận 1, chia sẻ: “Nghị quyết 04 giúp phụ huynh phần nào bớt lo lắng về các khoản thu mỗi tháng. Tuy nhiên, thực tế giá cả các mặt hàng đều tăng nên mức thu tiền ăn bán trú 35.000 đồng khiến tôi phân vân.

Năm học qua, tôi và một số phụ huynh đã đề xuất tăng mức thu tiền ăn bán trú, tuy nhiên nhà trường đã thông tin những quy định mức thu chi, không được tăng thêm. Năm học mới này biết tin tiền ăn bán trú sẽ được thu theo thỏa thuận tôi thấy rất hợp lý. Như vậy nhà trường sẽ chủ động tính toán mức chi phí phù hợp để đảm bảo chất lượng, khẩu phần dinh dưỡng, chăm lo thể chất cho các con”.

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM Hồ Tấn Minh nhấn mạnh: “Các khoản thu, mức thu phải được cơ sở giáo dục thỏa thuận thống nhất với cha mẹ học sinh, có ý kiến của UBND quận, huyện, thành phố Thủ Đức và sở GD&ĐT theo phân cấp quản lý. Sau khi nghị quyết có hiệu lực, thực hiện chức năng được giao, Sở GD&ĐT TPHCM sẽ phối hợp Sở Tài chính có văn bản hướng dẫn cho các cơ sở giáo dục trên địa bàn thực hiện đúng quy định và công khai để người dân giám sát”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gỡ khó vấn đề tiền ăn bán trú cho trường trung tâm tại TPHCM