Góc nhìn khác về sách giáo khoa

03/10/2023, 07:18
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Sách giáo khoa được sử dụng như học liệu quan trọng khi học phổ thông. 

Nhiều vấn đề chưa giúp người dân và cả thầy cô hiểu được đầy đủ và chính xác dẫn đến ý kiến phản biện trái chiều và hoài nghi. Tại sao chủ trương một chương trình, một bộ sách giáo khoa không còn phù hợp với nền tảng giáo dục phát triển năng lực toàn diện người học?

Vì sao, 3 năm thực hiện Chương trình 2018 mà Bộ GD&ĐT chưa công bố về phương thức tốt nghiệp và thi chuyển cấp? Những bất cập về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy học và dạy tích hợp theo chương trình mới, dù được dự báo nhưng chậm khắc phục? Phải chăng những thách thức đó đã làm đội ngũ quản lý và nhà giáo lo lắng, dư luận nhân dân bất an?

Bộ GD&ĐT khẳng định Chương trình GDPT 2018 thống nhất toàn quốc và sách giáo khoa là học liệu. Vì thế, người làm giáo dục, học sinh và nhân dân phải từ bỏ tư duy “thi gì học nấy, sách viết thế nào, dạy thế ấy”. Theo chương trình mới, sách giáo khoa chỉ là học liệu đặc biệt, nội dung cốt lõi là chương trình. Năng lực toàn diện của người học không phụ thuộc vào một vài cuốn sách giáo khoa mà được tích lũy qua nhiều kênh giáo dục, từ sách giáo khoa, sách tham khảo đến hoạt động trải nghiệm và môn học lựa chọn theo năng lực và sở trường.

Triết lý giáo dục của Chương trình GDPT 2018 thể hiện trong Nội dung giáo dục, Phương pháp giảng dạy và Phương pháp kiểm tra, đánh giá. Các bộ sách giáo khoa và kiểm tra, đánh giá đang thực hiện (Thông tư số 22/2020/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT, hiệu lực từ 21/9/2020) và Phương án tổ chức 2 kỳ thi tuyển sinh (dự kiến công bố trong quý IV/2023) sẽ làm thay đổi cách tiếp cận, sử dụng sách giáo khoa của thầy và trò.

Sử dụng linh hoạt

Trong nguồn học liệu mở và thuận tiện hiện nay, dù chọn học bộ sách nào, thầy cô và học sinh cũng cần quan tâm đến bộ sách giáo khoa khác. Sách giáo khoa đã được thẩm định nên chất lượng chuẩn hơn sách tham khảo. Một chủ đề, nội dung nhưng mỗi bộ sách có cách kiến giải và trình bày riêng, tạo nên sự phong phú và phù hợp đối tượng (các nền giáo dục tiên tiến luôn khuyến khích nhà trường và phụ huynh chọn sách riêng). Bởi, học bộ sách nào không quan trọng bằng sự nỗ lực và sáng tạo của người học.

Nhiều bộ sách giáo khoa phương pháp dạy và học theo hướng mở, thầy cô được quyền chủ động về kiến thức và kỹ năng, phương pháp dạy để phát huy sự năng động và sáng tạo của người học. Dạy bao nhiêu phần kiến thức bài học trong sách giáo khoa và đặt ra yêu cầu gì cho học sinh, tùy thuộc vào thầy cô trong hoàn cảnh, đối tượng cụ thể. Sách giáo viên sẽ định hướng và bổ sung tri thức, kỹ năng để thầy cô hiểu sâu sắc vấn đề, từ đó tinh lược khi soạn bài ngắn gọn để hướng dẫn học sinh.

Thầy, cô giáo cần hướng dẫn học trò cách tiếp cận sách giáo khoa, sách bài tập, sách học tốt… như một học liệu tham khảo, đối chiếu. Đề thi đang thực hiện của các môn đều theo hướng mở, đòi hỏi học sinh phải hiểu bài, hiểu đúng và hiểu sâu. Kiểm tra, đánh giá năng lực toàn diện người học, cho nên sách giáo khoa, sách tham khảo không đại diện cho nội dung thi nào như cách giới hạn trong sách giáo khoa của đề thi trước đây.

Sách giáo khoa khó tránh được sai sót nên theo thời gian sẽ được chỉnh lý hoàn thiện. Chủ trương một chương trình nhiều bộ sách cùng với đổi mới kiểm tra, đánh giá năng lực toàn diện người học sẽ buộc thầy và trò phải thay đổi từ tư duy, phương pháp dạy và học đến cách tiếp cận và sử dụng hiệu quả sách giáo khoa.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin-khac-ve-sach-giao-khoa-post656133.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/goc-nhin-khac-ve-sach-giao-khoa-post656133.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góc nhìn khác về sách giáo khoa