Thế nhưng, thầy cô và người lớn chúng ta thay vì học cách “lôi” lại tìm cách... “nhồi”. Thậm chí, chúng ta “nhồi” theo cách thức bản thân từng bị “nhồi” trong nhiều năm. Hầu hết chỉ vì những điểm số vô hồn và không quan trọng cho học sinh trên con đường đi tìm thành công và hạnh phúc.
Ảnh minh họa. |
Theo Stanford d.school (trường học dạy về tư duy thiết kế), với 1/4 – hoặc nhiều hơn nữa thời gian được nhà trường tập trung vào việc luyện thi, kiểm tra thì bất cứ đột phá nào sẽ bị chặn đứng bởi tảng đá cản đường này. Thêm vào đó, hơn 90% các đề thi hiện hành gần như chẳng giúp ích gì cho học tập ở các bậc cao hơn, công việc hay cuộc sống sau này.
Rồi khi một đứa trẻ nào đó không nạp được những gì chúng ta cố gắng “nhồi” theo cách cho là “đúng”, người lớn lại cho mình cái quyền được gắn nhãn mác như “ngu ngốc”, “lười biếng”,... lên lũ trẻ.
Đôi khi, đó là ngọn nguồn của nhiều vấn đề khác. Có lẽ chính người lớn chúng ta nên suy ngẫm và tự vấn xem, có khi nào chúng ta mới là kẻ... “ngu ngốc” và “lười biếng” trong việc dạy dỗ trẻ thành tài và giáo dục chúng nên người.
Chúng ta “ngu ngốc” vì không biết và không hiểu cách bộ não tuyệt vời của con trẻ học như thế nào là tốt nhất qua từng giai đoạn phát triển.
Chúng ta “lười biếng” vì cứ thế làm và dạy, không chịu tìm tòi, thấu hiểu và không chịu thay đổi. Vì lẽ đó, trong khối bê tông cứng nhắc của đầu óc người lớn và những mặc định sai lệch về con trẻ, chúng ta cần tìm cách và phải tìm mọi cách cho những đóa hồng trẻ thơ kia được phá đá và nở hoa mạnh mẽ giữa đời.
Giáo viên, trường học cần nhìn vào một đứa trẻ với những tiềm năng riêng biệt. Chúng ta cần tạo ra cơ hội để trẻ trải nghiệm và khám phá tiềm năng, chứ không phải mỗi ngày mỗi người đều đắp một con đường mà lũ trẻ nhìn vào chỉ thấy một đích đến: Những bài kiểm tra và thi cử.
Để rồi chính chúng ta và lũ trẻ đều quên mất: Một trong những điều quý báu nhất của thời đi học chính là mối quan hệ chân thành giữa con người với con người, để từ đó lũ trẻ được ươm mầm nhận thức, tính cách và phẩm chất.
Cả đội ngũ nghiên cứu giáo dục của Stanford d.school đang dồn tổng lực để thay đổi tư duy ra đề, kiểm tra, thi cử trong trường học phổ thông giúp học sinh được dạy, học và kiểm tra đúng những thứ chúng cần cho tương lai.
Yếu tố mấu chốt họ liên tục nhấn mạnh là: Cần sự thay đổi về văn hóa tư duy trong các trường lớp. Mọi thứ cần được thiết kế, triển khai không phải 100% từ góc nhìn của người lớn, mà còn từ khía cạnh bộ não, tư duy, cảm xúc và cách nhìn thế giới của trẻ con.
Mong mỗi người làm giáo dục hãy nghĩ thật lâu và thật sâu: Trong những việc chúng ta làm để gieo gì vào đầu lũ trẻ? Những khối bê tông thô ráp, cứng nhắc, không thay đổi và ngại thay đổi? Hay là những cành hồng mong manh được chăm sóc, để mạnh mẽ nở hoa giữa đời, bất chấp bao lớp bê tông cản đường hôm nay và mai kia?
Đã đến lúc chúng ta bình tĩnh, ngẫm nghĩ thật sâu và tích cực thay đổi vì lũ trẻ. Đã là cô thầy, người ươm mầm, người làm vườn, người chèo đò không phải chỉ vì bản thân, mà chủ yếu là vì... trẻ nhỏ – những đóa hồng giữa khối bê tông.
Viết đến đây, tôi chợt nhớ đến câu kết luận của những kỹ sư tài ba ở Google X sau khi họ trình bày hàng loạt ý tưởng mà Google đang theo đuổi để thay đổi thế giới: “Nền tảng về công nghệ không bao giờ quan trọng hơn nền tảng về con người”.
Với đội ngũ làm công nghệ mà còn ý thức rõ được như thế, thì thầy, cô giáo càng phải thấy rõ tầm quan trọng của bản thân trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo cục hiện nay. Chúng ta phải thấm nhuần rằng, với giáo dục, mọi thay đổi và đột phá mà không đặt yếu tố con người ở trung tâm - cụ thể là người học/bọn trẻ – thì tất cả thay đổi rất dễ trở thành... phi giáo dục.
Mỗi năm, không biết bao nhiêu đứa trẻ được cho là “thất bại”, “yếu kém”, thậm chí là “ngu dốt” vì không qua nổi những bài kiểm tra “đơn giản” của thầy cô, nhà trường. Thế nhưng, không phải người làm giáo dục nào cũng nhận ra điểm hạn chế của những bài kiểm tra trắc nghiệm, hay bản chất của những câu hỏi tra khảo kiến thức. Họ cũng chưa chắc nhận ra được một điều hiển nhiên: Nhiều đứa trẻ có tiềm năng và tài năng vượt ra ngoài khuôn khổ của những mẫu bài và phương thức kiểm tra hiện hành.