Từ năm 2023, Ngày thơ Việt Nam được tổ chức ở Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Hoàng Anh. |
Bao áng thơ kim cổ của những lễ hội ấy cùng giao hòa với đất trời, con người, khí thiêng sông núi; có khi được gửi đến trời cao qua màn thả thơ kết hội, cũng có khi được đọc, ngâm, xướng họa, sắp đặt, trình diễn… trên sân khấu hay nơi quán, vườn, cây thơ…
Cùng với đó còn hiện diện các sân thơ trẻ, sân thơ thiếu nhi đã điểm thêm sắc màu cùng niềm hy vọng về những giọng tươi mới của tương lai. Và dù được thể hiện ở bất cứ hình thức nào hay viết ở thời đại nào, của độ tuổi nào thì tất cả đều mang sứ mệnh: “đứng về phía con người, vinh danh con người và bảo vệ con người…”, như lời giục giã của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều – Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 - năm 2023 cất cao “Nhịp điệu mới”.
Và, nối với “Nhịp điệu mới” ấy là “Bản hòa âm đất nước” của Ngày thơ Việt Nam lần thứ 22 cũng nhằm đúng Nguyên tiêu Xuân Giáp Thìn, vừa diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long.
Những kiệt tác thi ca trong kho tàng văn học dân gian của đồng bào các dân tộc Việt Nam như “Bách điểu bách hoa” của dân tộc Tày; “Đẻ đất đẻ nước” của dân tộc Mường và “Xống chụ xonxao” (Tiễn dặn người yêu) của dân tộc Thái được diễn xướng cùng âm hưởng tiếng cồng chiêng còn lưu lại chốn này.
Đây cũng là cuộc hội ngộ đại diện thi ca của các dân tộc ở Việt Nam với những giọng thơ riêng biệt, độc đáo và tạo nên bản tổng hòa của nhiều dân tộc anh em trong khối đại đoàn kết dân tộc. Mỗi năm, cuộc hội ngộ ngày Xuân này tiếp tục gieo mầm xanh, gọi những mùa vui…