Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, đoàn công tác đặc biệt ấn tượng về sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, sự đầu tư đồng bộ đã đưa quy mô kinh tế Bình Dương vươn lên thứ 3 trong cả nước.
Theo Bộ trưởng, để Bình Dương phát triển một cách bền vững, chất lượng thì câu chuyện về GD-ĐT cần phải được giải quyết một cách thấu đáo, bài bản và có chiến lược.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn bày tỏ ấn tượng với sự phát triển của giáo dục tỉnh Bình Dương. |
Cơ hội của Bình Dương đến từ chính sức ép gia tăng dân số cơ học. Nhìn ở góc độ lạc quan thì tỉ lệ dân số trẻ tạo ra nhu cầu học tập của người dân là rất lớn. Nhu cầu học tập cao đó là môi trường tuyệt vời cho phát triển giáo dục.
Tỉnh Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, được Trung ương quan tâm đầu tư. Sự chủ động của tỉnh cũng là nội lực lớn giúp Bình Dương thúc đẩy và thuận lợi trong triển khai các hoạt động giáo dục. Với những khó khăn và thách thức mà Bình Dương đang đối mặt như: tỉ lệ học sinh/lớp cao, thiếu giáo viên… nếu tỉnh không nhanh chóng giải quyết thì sẽ gây thiệt thòi rất lớn cho học sinh. Dự báo sát hơn là cách để giải quyết thách thức này.
Thách thức về giáo dục toàn diện và phát triển con người cũng là vấn đề tỉnh Bình Dương cần lưu tâm và đặc biệt phải sớm tìm kiếm giải pháp. Dân trí cao, chất lượng giáo dục tốt là thuận lợi nhưng cũng là thách thức trong việc phát triển giáo dục toàn diện so với các vùng khác.
Trong chiến lược phát triển giáo dục, tỉnh cần có định hướng rõ hơn về nhu cầu nhân lực cho sự phát triển kinh tế 10-20 năm tiếp theo. Muốn làm được điều đó thì tỉnh cần có chính sách, đầu tư phải có tính chất đột phá ở nhiều mặt.
Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT tặng quà kỉ niệm cho Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương. |
"Chúng ta không chỉ đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, mà còn cần ưu tiên đầu tư nguồn lực về cơ sở vật chất, SGK, một sự đầu tư có tính chất đặc biệt để đảm bảo giữ vững nhịp phát triển và sự đồng bộ khi triển khai chương trình GDPT 2018. Tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp, nâng cao tỉ lệ người đi học nghề, học đại học và nâng cao chất lượng nhân lực”, Bộ trưởng đề nghị.
Ngoài việc đầu tư mạnh mẽ cho cơ sở vật chất, dành nguồn lực cho kiện toàn trường lớp, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn còn đề nghị Bình Dương cần phải tính toán nhân lực khoa học, kỹ thuật cho tương lai một cách khoa học, đầy đủ để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế địa phương và vùng trong giai đoạn sau này.
Tỉnh cũng cần đầu tư mạnh mẽ hơn cho hệ thống GD đại học, trường nghề… để đảm bảo cân bằng trong cơ cấu nhân lực cho nhiều nhóm ngành nghề mũi nhọn của tỉnh (thông qua việc định hướng nhóm ngành, nghề đào tạo cho vùng).
Ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương khẳng định các đóng góp, ý kiến của đoàn công tác Bộ GD&ĐT có giá trị rất lớn với ngành giáo dục Bình Dương. |
Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Lợi, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương ghi nhận những đóng góp, ý kiến của lãnh đạo Bộ và đoàn công tác cho sự phát triển giáo dục của tỉnh, giúp cho lãnh đạo tỉnh nhìn rõ hơn bức tranh giáo dục tỉnh nhà đang ở đâu, cần phải thực hiện các giải pháp gì, tháo gỡ khó khăn cụ thể ra sao cho hiệu quả trong thời gian tới.
“Trong thời gian tới, quy hoạch của Bình Dương là phát triển xanh, phát triển bền vững, phát triển đô thị thông minh…Chúng tôi nhận thức và xác định cố gắng đầu tư bằng mọi nguồn lực để đến năm 2030, Bình Dương cơ bản đạt được những tiêu chí trên, đưa Bình Dương lên thành phố trực thuộc Trung ương.
Trong giai đoạn tới chúng tôi dành từ 1.000 đến 1.500 ha đất để phát triển giáo dục phổ thông và đại học, nhằm có kế hoạch chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cho hướng phát triển giai đoạn tới theo tầm nhìn 2030”, ông Nguyễn Văn Lợi cho biết.
Theo Bí thư tỉnh ủy tỉnh Bình Dương, chính sách xây dựng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là một trong những kế hoạch, mục tiêu mà tỉnh đang tích cực thực hiện. Lãnh đạo tỉnh đã giao các sở, ngành khảo sát các số liệu cụ thể về các chính sách thu hút như nhà ở, tài chính, cơ chế… để từ đó có chiến lược thực hiện cụ thể, chứ nhất quyết không thể để chính sách thu hút nhân tài về tỉnh thiếu hiệu quả.