Hầu hết các ý kiến đồng tình với dự thảo đề cương chi tiết Luật Nhà giáo. Các ý kiến cũng ghi nhận Đề cương đã bao quát những vấn đề liên quan đến nhà giáo, bố cục rõ ràng, logic và bám sát thực tiễn.
Một số ý kiến đề xuất, dự thảo Luật cần làm rõ khái niệm về nhà giáo và Luật phải “bảo hộ” nhà giáo trong nước. Ngoài ra, cần thiết kế cơ chế phù hợp để nhà giáo yên tâm công tác, gắn bó với nghề; đồng thời có chính sách thu hút người giỏi (kể cả người nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài) có nguyện vọng trở thành nhà giáo.
Các ý kiến cũng đề nghị, xây dựng Luật Nhà giáo cần nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới. Luật cũng cần làm rõ cơ chế phân cấp quản lý và cơ chế tuyển dụng giáo viên cũng như tiêu chuẩn về nhà giáo, cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi khác.
Theo Tờ trình của Bộ GD&ĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị xây dựng dự án Luật Nhà giáo, 5 chính sách được đề cập khi xây dựng dự án luật này gồm:
- Khái niệm nhà giáo, vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ nhà giáo
- Tiêu chuẩn và chức danh nhà giáo
- Tuyển dụng, sử dụng và chế độ làm việc của nhà giáo
- Đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh nhà giáo
- Quản lý nhà nước về nhà giáo.