Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Dự án quy mô lớn, dự án du lịch phát triển kinh tế - xã hội cần được Nhà nước thu hồi đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư có năng lực”

Nam Anh | 12/10/2023, 10:36
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đang trong giai đoạn gấp rút lấy ý kiến để hoàn thiện, sửa đổi chờ Quốc hội thông qua tại Kỳ họp lần thứ 6 tới đây. Bên cạnh nhiều đề xuất Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này cần tạo cơ chế thu hồi đất để thúc đẩy phát triển hạ tầng du lịch, vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án quy mô cũng được các chuyên gia, Đại biểu Quốc hội và cộng đồng đặc biệt quan tâm.

Đấu thầu dự án sẽ sàng lọc được nhà đầu tư năng lực kém

Bàn về câu chuyện đấu giá đất, GS.TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng đấu giá đất thực hiện dự án là phương pháp bán làm sao được giá cao nhất nhưng tiềm ẩn nhiều hệ luỵ, hậu quả cho nền kinh tế. “Quan điểm của tôi là giao đất thông qua đấu giá sẽ khiến giá đất ngày càng cao, làm cho đầu vào của quá trình sản xuất càng tăng. Từ đó, chi phí giá thành sản xuất hàng hoá tăng càng cao. Hàng hoá sản xuất trong nước mà có giá thành cao thì nền kinh tế trở nên yếu ớt về năng lực cạnh tranh, hậu quả sẽ rất lớn”, ông Võ cho biết.

Cũng theo ông Võ, trong phát triển, không nên chỉ chăm chăm chú trọng thu được lợi ích từ việc đấu giá đất mà cần kết hợp hài hoà lợi ích giữa kinh tế, xã hội và môi trường trên cơ sở giải bài toán chi phí lợi ích kinh tế. Một dự án phải có tổng chi phí thấp hơn tổng lợi ích, hay nói cách khác, lợi ích càng cao, dự án càng hiệu quả. Chúng ta nên đi theo cách đó.

“Còn đấu giá quyền sử dụng đất, chính là ai trả cao thì người ấy thắng. Ngoài chuyện tăng chi phí sản xuất, giảm năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, còn tiềm ẩn việc thao túng thị trường đất đai, đầu cơ thông qua đấu giá, gây hỏng cả thị trường. Thậm chí, nếu chúng ta đẩy mạnh giao đất qua đấu giá sẽ phát sinh nhiều nhà đầu cơ”, ông Võ phân tích.

Từ những lập luận trên, GS.TSKH Đặng Hùng Võ cho rằng, đối với các dự án, đặc biệt là những dự án quy mô lớn, dự án du lịch phát triển kinh tế xã hội cho một khu vực phải là trường hợp được Nhà nước thu hồi đất, giao đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư có năng lực. Luật Đất đai phải có những chính sách, cơ chế thực sự cởi mở về đất đai, thuế, đầu tư… để các dự án du lịch quy mô lớn sớm được giao đất triển khai, đưa vào sử dụng mang lại nguồn lợi cho đất nước.

Cùng quan điểm với ông Võ, Theo ông Huỳnh Phước Nghĩa, Giám đốc Trung tâm kinh tế, luật và quản lý thuộc Trường Kinh tế, Luật và Quản lý nhà nước UEH, những bài học kinh nghiệm xương máu từ vụ đấu giá đất tại Khu đô thị Thủ Thiêm (TP.HCM) đã một lần nữa khẳng định trong câu chuyện phát triển các dự án, vấn đề cốt tử là chọn đúng chủ đầu tư và đánh giá đúng năng lực của chủ đầu tư.

Năng lực của chủ đầu tư có thể xác định thông qua các yếu tố liên quan đến quy mô dự án, năng lực vốn của doanh nghiệp, kinh nghiệm triển khai các dự án tương tự và cần có các ràng buộc quy định pháp luật, trách nhiệm thế nào sau khi đấu giá. Đồng thời, cần thống nhất, liên thông tiêu chí đánh giá năng lực chủ đầu tư cũng như trách nhiệm ràng buộc với dự án trong các luật liên quan như luật Đấu thầu, luật Đấu giá tài sản, các nghị định, quy định…

Dự án du lịch, đô thị quy mô cần được đấu thầu để chọn được nhà đầu tư tốt

Việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án đầu tư có sử dụng đất đã được nêu rõ tại Nghị quyết 18-NQ/TW. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) vẫn duy trì một số tiêu chí được nhận định là sẽ thu hẹp đáng kể các trường hợp áp dụng đấu thầu, dẫn đến khả năng rất nhiều khu đất sẽ không biết giao qua cơ chế nào để bảo đảm minh bạch, cạnh tranh.

Đóng góp ý kiến về các trường hợp dự án được đấu thầu chọn nhà đầu tư được quy định tại Khoản 1 Điều 127 Dự thảo Luật đất đai, nhiều ý kiến chuyên gia, Đại biểu Quốc hội và cộng đồng cho rằng cần mở rộng đối tượng dự án được tham gia đấu thầu để phù hợp với sự phát triển của thực tiễn và kinh tế - xã hội, đặc biệt các dự án hạ tầng du lịch, đô thị quy mô, rất cần lựa chọn những những chủ đầu tư dày dạn kinh nghiệm.

Hiện nay, Khoản 1 Điều 127 chỉ quy định trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu thực hiện dự án có sử dụng đất. Để bảo đảm hiệu quả sử dụng đất cũng như phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, nhiều ý kiến cho rằng cần bổ sung thêm 2 đối tượng nằm trong nhóm được đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là dự án khu đô thị mới quy mô trên 300ha khu đô thị mới kết hợp với và kinh doanh thương mại, dịch vụ, khu vui chơi, giải trí, tổ hợp đa năng .

Đồng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy – Phó Trưởng đoàn Quốc hội tỉnh Tuyên Quang cho rằng, pháp luật hiện hành không quy định đấu thầu thực hiện các dự án du lịch, dịch vụ và thương mại. Việc quy định cách lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu giá đối với các dự án hỗn hợp dẫn đến không lựa chọn được nhà đầu tư có cả năng lực về tài chính và kinh nghiệm. Đấu giá quyền sử dụng đất đối với các dự án du lịch có thể lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực về tài chính nhưng hiệu quả sử dụng đất mang lại không cao. Trong khi đó hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu sẽ bảo đảm lựa chọn được nhà đầu tư có năng lực kinh nghiệm thực hiện dự án tương tự và có năng lực về tài chính, góp phần thúc đấy kinh tế-xã hội của địa phương phát triển.

Đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy phân tích: Việc cho phép thực hiện giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu đối với các dự án kết hợp giữa nhà ở thương mại/khu đô thị với du lịch nghỉ dưỡng, khu vui chơi giải trí với dự án du lịch là một trong những chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy là hình thành các khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng có quy mô lớn tương tự như mô hình của một số quốc gia trên thế giới như Malaysia, Thái Lan…

“Điều này sẽ góp phần thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển kinh tế xã hội tại địa phương - nơi có lợi thế về du lịch nghỉ dưỡng; góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch phát triển, từng bước hiện thực hóa Nghị quyết TƯ 08/NQ-TƯ về chiến lược phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đặc biệt, các dự án trong các Khu Kinh tế hoặc địa bàn kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn cần có quy định để hỗ trợ và thúc đẩy phát triển thông qua cơ chế thu hồi đất và thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư”, Đại biểu Ma Thị Thúy nhấn mạnh.

Nhiều địa phương cũng chia sẻ, nguồn vốn dành cho giải phóng mặt bằng có hạn, địa phương không thể bố trí để thực hiện với các khu đất diện tích lớn để đưa ra đấu giá. Nếu đấu thầu, nhà đầu tư sẽ ứng trước kinh phí giải phóng mặt bằng, giảm rất nhiều gánh nặng cho địa phương. Vì thế, quy định trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần bao quát đầy đủ các trường hợp Nhà nước giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án, đặc biệt là những dự án hạ tầng du lịch, đô thị quy mô lớn, mang lại giá trị kinh tế - xã hội lớn cho địa phương. Điều này vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, nhu cầu phát triển của địa phương trong điều kiện nguồn lực eo hẹp, vừa thực hiện đúng tinh thần của Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi): “Dự án quy mô lớn, dự án du lịch phát triển kinh tế - xã hội cần được Nhà nước thu hồi đất, đấu thầu chọn nhà đầu tư có năng lực”