Góp ý, nghiên cứu điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông

Đức Trí | 19/07/2022, 16:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Ngày 19/7 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội thảo góp ý Chương trình môn lịch sử cấp Trung học phổ thông điều chỉnh theo yêu cầu tại Nghị quyết số 63/2022/QH15 của Quốc hội.

Chú ý đến sự hài hòa, tính logic, sự kết nối giữa nội dung các chủ đề phần Lịch sử bắt buộc (cơ bản, cốt lõi) với các chuyên đề theo định hướng nghề nghiệp có tính chuyên sâu.

Điều chỉnh phù hợp và khoa học

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho rằng việc xây dựng lại chương trình, thiết kế thành môn bắt buộc ở môn Lịch sử là nền tảng, cơ bản cho đại trà học sinh. Yêu cầu cần đặt ra là xây dựng phẩm chất nền tảng cho tất cả học sinh, không phải định hướng nghề nghiệp nên đây cũng là thách thức cho những người thiết kế chương trình, chuyển từ 70 tiết thành 52 tiết.

Mặt khác, việc điều chỉnh Chương trình Lịch sử phần bắt buộc với cấp THPT đã giảm những kiến thức hàn lâm, tăng tính truyền thống để học sinh thêm yêu quê hương, đất nước, truyền thống cách mạng Việt Nam. Đảm bảo được cấu trúc, tinh thần định hướng nghề nghiệp không thay đổi. Học sinh có phẩn lựa chọn để định hướng nghề nghiệp tốt nhất…

Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định, những ý kiến đóng góp, kiến nghị của đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên viên, giáo viên vào cấu trúc, nội dung trong hội thảo rất cần thiết cho quá trình triển khai đảm bảo tính sư phạm, khả thi, khoa học. Càng nhiều ý kiến đóng góp có chất lượng càng giúp cho quá trình triển khai tốt hơn.

Đồng thời lưu ý việc điều chỉnh không phải là xây mới mà thực chất điều chỉnh giữa phần bắt buộc và lựa chọn. Do đó mong muốn ý kiến đóng góp xem đã đáp ứng được kiến thức cơ bản, nền tảng cho tất cả đối tượng học sinh hay chưa; 8 nguyên tắc điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT có phù hợp; cách giải quyết (việc giảm chủ đề) hợp lý không; nội dung nêu đã đảm bảo tính khoa học chưa; tính sư phạm có đảm bảo yêu cầu hay không...

Góp ý, nghiên cứu điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông ảnh 2

Nhiều ý kiến tích cực ghi nhận sự điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc cấp THPT.

Tại hội thảo, ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lào Cai cho biết, ngay sau khi có văn bản, kế hoạch của Bộ, Sở đã chỉ đạo các bộ phận chuyên môn, giáo viên cốt cán triển khai tập huấn, nhà trường, giáo viên đã thực hiện đúng chỉ đạo, công bố tổ hợp các môn lựa chọn khi tuyển sinh lớp 10 đến phụ huynh và học sinh; thành lập tổ tư vấn… Đến nay Lào Cai đã sẵn sàng, chủ động triển khai CT GDPT 2018 đối với lớp 10, toàn ngành giáo dục ủng hộ và thống nhất quan điểm của Bộ nêu ra.

Đánh giá về điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc, ông Thuận cho rằng so với tư tưởng của chương trình môn Lịch sử đã ban hành tại thông tư 32 thì sự thay đổi không nhiều và đảm bảo yêu cầu Nghị quyết 63; số lượng tiết, nội dung tinh giản được Ban phát triển chương trình đưa ra phù hợp với yêu cầu chung của học sinh. Việc bố trí giáo viên khi Lịch sử trở thành môn học bắt buộc cũng không khó khăn bởi số tiết tăng không nhiều so với chương trình cũ. Cơ sở vật chất để triển khai không có nhiều thay đổi nên vẫn đáp ứng đủ…

Lãnh đạo Sở GD&ĐT Lào Cai đưa ra kiến nghị: Bộ sớm có kế hoạch, đảm bảo cân bằng và thống nhất với các môn học khác. Cần sớm triển khai tập huấn giáo viên trên toàn quốc trong thời gian tới để thống nhất chương trình, những điều chỉnh; đặc biệt cần giúp giáo viên hiểu sâu sự điều chỉnh ra sao, nhằm mục đích gì, đổi mới phương thức giáo dục môn Lịch sử… từ đó giúp học sinh thích học.

Ông Nguyễn Văn Tuế, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh bày tỏ: Ban phát triển chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 hầu hết là những người đã qua nhiều vị trí công tác, chuyên sâu Lịch sử, đặc biệt với nguyên tắc không thay đổi cấu trúc chương trinh… nên rất tin tưởng vào tính khả thi của chương trình. Bên cạnh đó, những ý kiến lo ngại khi thay đổi từ lựa chọn sang bắt buộc, việc chuẩn bị cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên… cũng không đáng lo vì chương trình thay đổi sẽ có sự điều chỉnh và tăng thêm về biên chế giáo viên cũng như cơ sở vật chất…

Dưới góc nhìn của mình, cô giáo Trần Thị Thoan, Trường THPT Chuyên Cao Bằng (Cao Bằng) đánh giá cao và nhất trí với những tinh giản của chương trình, không những thế còn ưu tiên hơn cho Lịch sử Việt Nam, phần cắt giảm cả chủ đề và nội dung thuận lợi cho giáo viên khi xây dựng bài giảng.

Đồng thời cô Thoan đưa ra góp ý: Với chủ đề lịch sử định hướng nghề nghiệp so với học sinh đại trà thì kiến thức hàn lâm thời lượng còn nhiều (5,7 tiết). Và đặt ra câu hỏi: Học sinh THCS mới bước vào THPT kiến thức nặng như vậy liệu có ảnh hưởng tới yêu thích môn Lịch sử. Cô Thoan đề nghị có sự điều chỉnh hoặc bỏ phần này. Cần giữ lại phần khái quát lịch sử văn minh thế giới bởi khi dạy đi từ khái quát đến cụ thể, học sinh sẽ dễ nhớ hơn…

Hội thảo đã nhận được ý kiến đóng góp sôi nổi của cán bộ quản lý, giáo viên, chuyên viên… các tỉnh phía Bắc về nội dung, chương trình; cũng như đồng thuận cao về 8 nguyên tắc điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc. Cùng đó nêu lên mong muốn trong việc tập huấn giáo viên; đưa ra hướng dẫn triển khai chung. Các nhà khoa học chuyên ngành Lịch sử cũng đánh giá cao những điều chỉnh và khẳng định đây là cơ hội tốt để đổi mới trong dạy học Lịch sử.

Sau khi tiếp thu ý kiến đóng góp điều chỉnh chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc qua hội thảo toàn quốc, Ban phát triển Chương trình môn Lịch sử cấp THPT trong CT GDPT 2018 sẽ nghiên cứu và có những điều chỉnh phù hợp nhất.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/gop-y-nghien-cuu-dieu-chinh-chuong-trinh-mon-lich-su-cap-trung-hoc-pho-thong-post601338.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/gop-y-nghien-cuu-dieu-chinh-chuong-trinh-mon-lich-su-cap-trung-hoc-pho-thong-post601338.html
Bài liên quan
Bồi đắp tình yêu lịch sử trên quê hương Điện Biên Phủ
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất lịch sử, từ nhỏ Nhà giáo Ưu tú Vũ Thị Tố Loan, Trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) đã được “tắm mình” với những địa chỉ đỏ, nơi ghi dấu chiến công “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Góp ý, nghiên cứu điều chỉnh Chương trình môn Lịch sử cấp Trung học phổ thông