Nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng, Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội cho biết, gừng tên khoa học là Zingiber officinale Rosc, thuộc họ gừng Zingiberaceae.
Gừng là cây thảo, sống dai, có thân rễ nạc và phân nhánh xòe ra như hình bàn tay, gần như trên cùng một mặt phẳng, mang nhiều chồi, từ đó mọc ra những thân thực cao 80-100cm. Lá gừng thuôn hình ngọn giáo, dài 20-30cm, mọc thẳng lên, hoa vàng xanh, mép tím, quả mọng.
Ở nước ta, gừng được trồng khắp mọi nơi. Trong y học cổ truyền gừng có tên gọi là khương, tuỳ từng cách chế biến lại có công dụng khác nhau:
- Sinh khương (gừng sống) có tính vị: vị cay, tính hơi ấm. Qui kinh: Phế, Tỳ, Vị. Tác dụng của gừng sống dùng trong trường hợp chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hoá.
- Thán khương (gừng nướng cháy) có vị cay, tính ấm. Qui kinh: Phế, Tỳ, Vị. Gừng nướng thường được dùng trong trường hợp lạnh bụng đi ngoài.
- Can khương (Gừng khô) có vị cay, tính nóng. Qui kinh: Phế, Tỳ, Vị. Gừng khô dùng tán phong hàn chủ trị cảm lạnh, thổ tả.
- Vỏ gừng (hương bì) có vị cay, tính hơi ấm. Qui kinh: Phế, Tỳ, Vị. Vỏ gừng được dùng trong các trường hợp tiêu phù thũng.
Gừng là dược liệu tốt cho sức khoẻ, nhưng những người này không nên sử dụng gừng
Người có vấn đề tiêu hoá
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng gừng được dùng nhiều trong các bài thuốc kích thích tiêu hoá, chống lạnh bụng khi ăn đồ tanh. Tuy nhiên, gừng sẽ không tốt đối với người có viêm loét dạ dày ở giai đoạn cấp tính. Nguyên nhân, gừng có thể gây ra tăng tình trạng viêm, loét bao phủ hết thành ruột và đại tràng.
Đối với những người đang điều trị viêm ruột, ung thư đường tiêu hoá cũng cần tránh ăn gừng.
Người có bệnh lý gan
Gừng cũng được biết đến là gia vị tốt cho gan. Gừng có tác dụng kích thích sự bài tiết của các tế bào gan nên không phù hợp với người có bệnh viêm gan cấp và mãn tính, xơ gan.
Trường hợp từng bị sỏi mật cũng tránh ăn gừng để tránh tạo ra kết tụ trong mật không bài tiết ra ngoài được gây sỏi trong đường mật.
Người có bệnh trĩ
Theo Lương y Bùi Đắc Sáng, gừng có tính ấm, nóng có thể khiến vỡ các mạch máu bị yếu. Cũng vì lý do đó mà loại gia vị này cần phải tránh sử dụng đối với các trường hợp có tiền sử như chảy máu cam, bệnh trĩ không nên ăn gừng.
Người đang say nắng
Gừng có tính nóng nên thường dùng để điều trị những trường hợp bị cảm do nhiễm lạnh, phong hàn, vị hàn phát nhiệt sau khi dầm mưa... Các trường hợp say nắng (cảm mạo thử nhiệt hoặc cảm mạo phong nhiệt) tuyệt đối không nên dùng gừng vì có thể nguy hiểm.
Phụ nữ đang mang thai
Phụ nữ mang thai không nên ăn quá nhiều gừng vì có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Ăn nhiều gừng có thể gia tăng nguy cơ sẩy thai hoặc chảy máu khi mang thai.
Ngoài ra, ăn gừng nhiều có thể làm giảm đường trong máu đột ngột. Điều này sẽ nguy hiểm đối với các trường hợp bị đái tháo đường. Do vậy, người bị đái tháo đường cần lưu ý tránh ăn gừng nhiều.
Nhà khoa học Bùi Đắc Sáng tư vấn thêm, gừng thuộc tính nhiệt ăn nhiều có thể gây khô miệng, khát nước, phát nhiệt trong người.