Theo ông Tùng, việc lớn nhất mà thành phố cần quan tâm trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) là sự chủ động về tổ chức bộ máy, biên chế; xác định cải cách, đổi mới, đơn giản hóa thủ tục hành chính để đột phá. Từ đó, huy động được nguồn lực bên ngoài để phát triển thành phố trong giai đoạn tới.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, trong bối cảnh rất khó khăn, Hà Nội đã thực hiện tốt các nghị quyết của Trung ương, đạt được kết quả khá toàn diện.
"Các cụ nói "ngắn sào dễ trở", nhưng quy mô của Hà Nội lớn mà thành phố xoay xở được trong bối cảnh khó khăn như vừa qua là rất tốt", ông Huệ đánh giá.
Thống nhất về mặt nguyên tắc đối với các quan điểm xây dựng Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh Luật sửa đổi phải giúp phát triển Thủ đô Hà Nội xứng đáng là trung tâm đầu não chính trị, kinh tế lớn của cả nước.
Nơi đây cũng phải đặt mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, có sức lan tỏa để thúc đẩy Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước cùng phát triển.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Luật Thủ đô phải quy định những vấn đề liên quan đến quản trị đô thị đặc biệt, xác định rõ nhu cầu của đô thị đặc biệt, phân quyền để thực hiện hiệu quả nhất các nhu cầu quản trị và phát triển Thủ đô theo định hướng của Bộ Chính trị.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Hà Nội tiếp tục tham vấn ý kiến rộng rãi để hoàn thiện nội dung Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) theo đúng tinh thần "Hà Nội vì cả nước, cả nước vì Hà Nội".