Nêu ý kiến tại hội thảo, đại diện các nhà trường, giáo viên, phụ huynh, học sinh và các đơn vị đối tác trực tiếp tham gia thực hiện đề án đều bày tỏ tính ưu việt của chương trình song bằng và mong muốn chương trình tiếp tục được tuyển sinh, phát triển.
Tham luận tại hội thảo, bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy cho rằng, từ khi triển khai, đề án đã nhận được sự quan tâm của phụ huynh bởi hình thức tiên tiến, phương pháp hiện đại, học phí ưu việt so với các trường quốc tế. Đề án đã đáp ứng được nguyện vọng của phụ huynh và học sinh nên từ những ngày đầu tuyển sinh đã có rất nhiều học sinh đăng kí.
"Quá trình đào tạo cho thấy, học sinh tham gia chương trình vừa có kỉ luật của phương Đông, vừa có tư duy cởi mở, khoáng đạt của của phương Tây... Tôi cho rằng, học sinh song bằng sau này sẽ trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng đòi hỏi của quá trình phát triển đất nước"- bà Kim Anh nói.
Bà Lê Kim Anh - Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) tham luận tại hội thảo. |
Còn bà Trần Thùy Dương - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam chia sẻ, chương trình song bằng tú tài luôn nhận được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh trong mỗi mùa tuyển sinh. Học sinh khối song bằng của trường rất năng động, sáng tạo, luôn đạt kết quả cao tại các kỳ thi học sinh giỏi, nhiều em giành học bổng của những trường đại học top đầu thế giới.
Quá trình triển khai đề án, nhà trường cơ bản gặp thuận lợi như các thầy cô đều có chuyên môn sư phạm tiếng Anh, có hiểu biết về chương trình đào tạo quốc tế. Giáo viên tiếng Anh trình độ cao. Các thầy cô dạy khoa học có nhiều tài liệu tiếng nước ngoài phục vụ cho các kì thi Toán khoa học quốc tế để thực hiện giảng dạy.
Lê Quỳnh Chi, học sinh lớp 9C2 Trường THCS Ngô Sĩ Liên. |
Với em Lê Quỳnh Chi, học sinh lớp 9C2 Trường THCS Ngô Sĩ Liên (quận Hoàn Kiếm), học chương trình song bằng giúp em phát triển kỹ năng ngôn ngữ, tăng cường tương tác và thực hành giao tiếp, thể hiện bản thân một cách đầy tự tin và năng động; xây dựng hình ảnh thế hệ học sinh Thủ đô - những công dân toàn cầu sáng tạo, sẵn sàng chủ động giao lưu, hội nhập.
Phát biểu tại hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhận định: Đề án thí điểm chương trình đào tạo song bằng đã đạt được các mục tiêu đề ra; nhận được những phản hồi tích cực từ phía phụ huynh, học sinh, góp phần định hướng cho việc triển khai chương trình quốc tế, chương trình giáo dục nâng cao ở các trường công lập trên địa bàn thành phố.
Để có thể tiếp tục triển khai đề án ở giai đoạn tiếp theo, ông Trần Thế Cương đề nghị các nhà trường hoàn thiện xây dựng đề án, trong đó, tập trung nghiên cứu tham mưu đề xuất cơ chế phù hợp nhằm tháo gỡ vướng mắc về đội ngũ giáo viên giảng dạy chương trình quốc tế tại trường công lập; đề xuất cơ chế tài chính bảo đảm nguyên tắc minh bạch, đúng quy định.
“Rất mong UBND TP Hà Nội, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu, xem xét, tạo điều kiện cho phép mô hình giáo dục mới, tích hợp với chương trình quốc tế có thể được triển khai trong giai đoạn tới nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội cũng như nhu cầu thực tế của đông đảo học sinh và phụ huynh”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương bày tỏ.