Thời sự

Hà Nội mở rộng đường Láng để giảm ùn tắc: "Thất bại đã được dự báo trước"

Theo Văn Ngân 17/05/2024 08:52

Theo chuyên gia, nếu đầu tư số tiền lớn đến gần 21.000 tỷ chỉ để giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông thì sẽ đối mặt với thất bại.

Thất bại đã được dự báo trước nếu mở đường để giảm ùn tắc

Liên quan đến đề xuất mở rộng đường Láng, KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho biết, việc mở rộng đường Láng nằm trong quy hoạch tổng thể đường Vành đai 2 đã có từ lâu. Thực tế cũng đã từng mở rộng và sẽ làm theo từng giai đoạn khác nhau dựa vào điều kiện và nhu cầu thực tế.

Hà Nội mở rộng đường Láng để giảm ùn tắc:
KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội

“Đây là một dự án với ước tính đầu tư gần 21.000 tỉ đồng như vậy là rất lớn. Trong đó, tỉ trọng giữa chi phí giải phóng mặt bằng với xây lắp quá chênh lệch. Tuy nhiên, việc giải quyết ách tắc giao thông có nhiều cách làm khác nhau chứ không chỉ mở rộng đường. Đôi khi càng mở rộng đường, phương tiện tăng khiến cho ách tắc ngày càng lớn hơn. Cần xem xét, cân đối kĩ để thấy con số đầu tư như thế thì đem lợi ích gì cho xã hội?”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.

Theo KTS Trần Huy Ánh, quy hoạch đô thị Hà Nội xưa nay phát triển các đường vành đai và đường hướng tâm, trong thời gian đầu đường Láng nằm trong đường vành đai 2 là đường cận biên, vùng ngoại ô. Hiện nay, đã biến thành đường trung tâm, nằm trong vành đai 3 và 4.

Hà Nội mở rộng đường Láng để giảm ùn tắc:
Đường Láng thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông

Đường vành đai 2 bản chất hiện nay không còn là đường vành đai mà thành đường đô thị rồi. Khi giao cắt quá dày đặc, khi đô thị phát triển hai bên đường với mật độ cao. Cần đánh giá lại, nhận diện lại đường Láng bây giờ là đường vành đai hay đường đô thị.

KTS Trần Huy Ánh cho rằng: “Thực tế hầu như tất cả các đô thị ở Châu Á đều gặp vấn nạn khi mở rộng đường tới đâu thì ùn tắc tới đó. Hà Nội mới có 35km đường trên cao và vành đai, trong khi TP Bangkok của Thái Lan đã xây dựng được 400km đường trên cao, vành đai và đường xuyên tâm. Tuy vậy, Bangkok vẫn là một thành phố nổi tiếng về tắc nghẽn giao thông. Điều này cho thấy, việc mở rộng càng nhiều đường, gia tăng phương tiện còn lớn hơn. Trọng tâm là phải phát triển mạnh giao thông công cộng chứ không phải phát triển hạ tầng phục vụ giao thông cá nhân. Việc mở rộng đường Láng đã từng thực hiện nhưng không giải quyết được ách tắc, giờ lại mở rộng tiếp thì kết quả đã được dự báo trước là thất bại là tiếp tục ách tắc, thậm chí ách tắc còn lớn hơn”.

Đô thị phát triển phải đồng bộ cả trong lẫn ngoài

KTS Trần Huy Ánh nêu quan điểm: “Một đô thị phát triển, phải đồng bộ cả từ trong ra ngoài. Cho nên một thành phố thông minh không phải chỉ là mở rộng đường để cho phương tiện cá nhân mà phải giải được bài toán tổng thể. Làm sao cân đối việc tiếp cận hạ tầng giao thông của phương tiện cá nhân và phương tiện công cộng”.

Hà Nội mở rộng đường Láng để giảm ùn tắc:
Đường vành đai 2 trên cao qua Ngã Tư Sở

KTS Trần Huy Ánh thẳng thắn nêu quan điểm: “Trong quy hoạch đô thị có rất nhiều mô hình mô phỏng để đánh giá rủi ro trước khi triển khai dự án. Rất tiếc Hà Nội từ xưa đến nay không sử dụng mô hình này và hoàn toàn chủ quan đưa ra các quyết định thiếu dữ liệu khoa học đầu vào. Thiếu bài toán mô phỏng để dự báo trước, loại trừ những mâu thuẫn, rủi ro mà những dự án lớn đã được triển khai nhưng không đem lại hiệu quả như mong muốn”.

Trước đó , Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội mới có báo cáo UBND TP Hà Nội việc triển khai lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng). Trong đó, tổng mức đầu tư cải tạo, mở rộng đường dưới thấp và xây mới cầu cạn trên cao đường Láng với tổng mức đầu tư dự kiến trên 20.000 tỷ đồng.

Riêng việc mở rộng đường Láng dưới thấp dài 3,8km với chi phí dự kiến hơn 17.000 tỉ đồng, trong đó 16.700 tỉ đồng cho việc giải phóng mặt bằng và 541 tỉ đồng cho việc xây lắp.

Hiện tại, chiều rộng mỗi bên đường Láng là 10,5m. Sau khi cải tạo, đường Láng sẽ rộng 53,5m, vận tốc thiết kế 80km/h và là trục chính đô thị. Theo Sở GTVT Hà Nội, đường Láng chỉ rộng 10,5m mỗi chiều, lưu lượng tối đa 3.000 phương tiện/giờ, nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Việc thực hiện dự án trên nhằm giảm tải áp lực giao thông cho nút giao Ngã Tư Sở, phát huy hiệu quả vành đai 2 trên cao đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở đã hoàn thành.

Tại văn bản phản hồi mới nhất, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Đỗ Việt Hải cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND TP tại Quyết định số 5677, Sở GTVT đang nghiên cứu lập đề xuất chủ trương đầu tư (Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) dự án vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở - Cầu Giấy (đường Láng). Các thông tin hiện nay mới chỉ là nghiên cứu sơ bộ ban đầu.

Đây là dự án đầu tư quan trọng, phức tạp, có tác động lớn cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng. Phương án đầu tư, quy mô đầu tư cụ thể của dự án sẽ được đơn vị tư vấn tổ chức khảo sát, đánh giá đề xuất các phương án khác nhau đảm bảo đáp ứng yêu cầu về kinh tế - kỹ thuật để lựa chọn phương án tối ưu.

Theo Sở GTVT Hà Nội, trong mọi trường hợp, hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư dự án sẽ phải được Hội đồng thẩm định thông qua và được HĐND TP ra nghị quyết chấp thuận chủ trương làm cơ sở triển khai thực hiện.

Hiện nay hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư/báo cáo nghiên cứu tiền khả thi vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu chưa được trình thẩm định. Sau khi hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án được lập, trình thẩm định và phê duyệt, Sở GTVT sẽ tiếp tục thông tin cụ thể về quy mô, định hướng đầu tư dự án.

Sở GTVT Hà Nội sẽ đưa ra nhiều phương án và lựa chọn phương án phù hợp khả thi, có tính kinh tế và hiệu quả nhất. Quan điểm của Sở GTVT Hà Nội là việc đầu tư mở rộng tuyến đường này phải đi cùng với bảo tồn hàng cây xà cừ lâu năm nằm dọc đường Láng.

Một trong những phương án đang được Sở GTVT Hà Nội nghiên cứu là mở rộng tuyến đường Láng về phía sông Tô Lịch. Phương án này được đánh giá giảm chi phí giải phóng mặt bằng, giảm thiểu những tác động có thể gây xáo trộn đến đời sống của hàng nghìn hộ dân ven đường Láng.

Hai phương án khác cũng được Sở GTVT Hà Nội cân nhắc là chỉ làm đoạn trên cao về phía sông Tô Lịch để không phụ thuộc dự án mở rộng đường dưới thấp; hoặc làm đường sắt đô thị thay vì mở rộng tuyến đường này...

Theo Vov.vn
https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-mo-rong-duong-lang-de-giam-un-tac-that-bai-da-duoc-du-bao-truoc-post1095597.vov
Copy Link
https://vov.vn/xa-hoi/ha-noi-mo-rong-duong-lang-de-giam-un-tac-that-bai-da-duoc-du-bao-truoc-post1095597.vov
Bài liên quan
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội công bố kế hoạch thi đánh giá năng lực năm 2025
Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vừa công bố kế hoạch tổ chức thi, đề thi tham khảo kỳ thi đánh giá năng lực do trường tổ chức năm 2025 (kỳ thi SPT).

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội mở rộng đường Láng để giảm ùn tắc: "Thất bại đã được dự báo trước"