Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế hút thuốc lá. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.
Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.
Đối với người có bệnh hô hấp, bệnh tâm phế mạn tính, bệnh tim mạch, suy dinh dưỡng, già yếu, Bộ Y tế khuyên thực hiện các biện pháp dự phòng trên nghiêm ngặt hơn. Ngoài ra cần hạn chế tối đa đi ra ngoài đặc biệt là vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng.
Ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM2,5 - loại bụi được coi là tử thần trong không khí khi có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, gây ra nhiều bệnh về hô hấp, tim mạch.
Theo Nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật toàn cầu năm 2019 (IMHE, 2019), ô nhiễm không khí đứng thứ 5 trong các yếu tố nguy cơ hàng đầu gây tử vong và tàn tật ở Việt Nam, đứng sau các nguyên nhân như cao huyết áp, đường huyết, hút thuốc và chế độ ăn uống.
Ô nhiễm không khí là vấn đề môi trường nhiều năm qua ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Có 4 nhóm nguyên nhân lớn được xác định gồm hoạt động giao thông, công nghiệp - làng nghề, xây dựng và các hoạt động dân sinh như đốt rác, đốt rơm rạ.
Ô nhiễm không khí ở miền Bắc thường tập trung chủ yếu vào mùa đông (tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau) do điều kiện thời tiết không thuận lợi khiến chất ô nhiễm, chủ yếu là bụi mịn tập trung ở sát mặt đất. Vào mùa hè, điều kiện mưa kết hợp với gió mạnh giúp chất lượng không khí được cải thiện.