Hà Nội: Quỹ đất di dời cơ quan, nhà máy sẽ ưu tiên xây trường công lập

Theo Thanh Hiếu | 20/11/2023, 21:25
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường đại học- cao đẳng ra khỏi khu vực nội đô sẽ được thành phố ưu tiên để xây trường học công lập.

UBND TP. Hà Nội cho biết, nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân, trong năm qua thành phố đã xây mới, thành lập mới 113 trường học các cấp. Từ đầu năm học 2023-2024 đến nay, thành phố đã có 13 trường học mới được bàn giao đưa vào giảng dạy. Thành phố cũng luôn ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng, nâng cấp trường học, trong đó phấn đấu 80-85% trường học đạt chuẩn quốc gia vào năm 2025.

HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-HĐND dự kiến kế hoạch giai đoạn 2021-2025 bố trí 20.526 tỷ đồng đầu tư 648 dự án trường học. Giai đoạn 2021-2025, thành phố dự kiến xây dựng mới 16 trường THPT và 7 trường liên cấp tiên tiến hiện đại.

Hiện tại, UBND thành phố tiếp tục giao Sở GD&ĐT chủ trì phối hợp các quận, huyện, thị xã rà soát tình hình thiếu trường lớp để bổ sung vào Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề xuất giải pháp tháo gỡ tình trạng thiếu trường lớp cục bộ tại các quận nội đô và khu vực đông dân cư.

Hà Nội: Quỹ đất di dời cơ quan, nhà máy sẽ ưu tiên xây trường công lập - Ảnh 1.

Hà Nội đang triển khai nhiều giải pháp để xây trường học nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ em

5 giải pháp để xây mới trường học

Theo UBND TP. Hà Nội, hiện nay, việc đầu tư xây dựng các trường học từ mầm non đến THPT đã được thành phố phân cấp cho các quận, huyện, thị xã. Do vậy, các đơn vị sẽ chủ động rà soát quỹ đất, ưu tiên lập kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đảm bảo đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh thuộc địa bàn quản lý.

Trong thời gian tới các quận, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp để thực hiện đầu tư xây dựng trường học, đặc biệt tại các quận nội thành. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng và thành lập mới, sửa chữa cải tạo các trường công lập giai đoạn 2021-2025 đã được UBND thành phố ghi vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025.

Ngoài ra, các đơn vị tiếp tục rà soát các ô đất tại các khu đô thị, khu đông dân cư đã được quy hoạch xây dựng trường học nhưng nhà đầu tư chậm triển khai, đặc biệt tại những nơi thiếu trường, lớp. Từ đó, tham mưu UBND thành phố thu hồi giao UBND các quận, huyện, thị xã xây dựng trường học công lập đáp ứng nhu cầu học tập của con em.

Tiếp tục thực hiện phát triển hệ thống mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 tích hợp vào Quy hoạch chung của Thủ đô. Đặc biệt, quỹ đất sau khi di dời các cơ quan, xí nghiệp, nhà máy, trường đại học, cao đẳng ra khỏi khu vực nội đô sẽ được ưu tiên để xây trường học công lập.

Ngoài ra, thành phố sẽ tiếp tục phân tuyến tuyển sinh cho 30 quận, huyện, thị xã theo 12 khu vực trên địa bàn nhằm điều hòa hợp lý, đảm bảo chỗ học cho học sinh.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hà Nội có số lượng học sinh đông nhất cả nước với 2,3 triệu em. Mỗi năm, trung bình Hà Nội lại tăng thêm từ 40.000 - 50.000 học sinh, đòi hỏi lãnh đạo thành phố cần chỉ đạo, triển khai xây dựng trường học mới kể cả trường công lập và ngoài công lập mỗi năm từ 30-40 trường học. Trong khi đó, theo báo cáo mới nhất của UBND TP. Hà Nội, thành phố còn thiếu 49 trường, tại 8 quận, gồm Ba Đình, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Đống Đa, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai.

Bài liên quan
Nhiều trường công lập ở Hà Nội chỉ lấy hơn 3 điểm/môn thi vào lớp 10
(GDTĐ) - Tuyển sinh lớp 10 năm nay tại Hà Nội, khối công lập đáp ứng khoảng 61% học sinh tốt nghiệp lớp 9, cho thấy sự khốc liệt. Nhưng cũng có trường thí sinh chỉ đạt trên 3 điểm/môn có thể trúng tuyển.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hà Nội: Quỹ đất di dời cơ quan, nhà máy sẽ ưu tiên xây trường công lập