Các nhà trường, các thầy cô giáo cần tiếp tục động viên, tạo điều kiện để học sinh được thể hiện mình và giúp các em tự phát hiện ra năng khiếu, sở trường của chính mình từ những hoạt động nghiên cứu khoa học; gắn chặt nghiên cứu khoa học với việc thúc đẩy giáo dục STEM, đưa nghiên cứu khoa học đồng hành cùng chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục, xây dựng môi trường học đường, môi trường xã hội tiến bộ, văn minh.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cũng hy vọng, các trường đại học, học viện, viện nghiên cứu, doanh nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ các cơ sở giáo dục phổ thông, phát hiện và đánh thức năng khiếu, năng lực, đam mê nghiên cứu khoa học của học sinh, tạo môi trường để các ý tưởng sáng tạo có điều kiện thực hiện.
Qua đó, làm cầu nối đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học của học sinh vào thực tiễn để mỗi thành tựu khoa học và chủ nhân của những thành tựu ấy trở thành nguồn cảm hứng cho lớp lớp các thế hệ học sinh.
Kết quả, Ban tổ chức Cuộc thi đã trao 12 giải Nhất, 15 giải Nhì, 17 giải Ba, 27 giải Tư và 23 giải Triển vọng ở tất cả các lĩnh vực đăng ký dự thi.
Các dự án đạt giải Nhất của học sinh Hà Nội tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia gồm: Nghiên cứu về hành vi tiêu dùng có trách nhiệm bảo vệ môi trường của thanh niên (Phạm Nguyễn Quang Huy, Phạm Nguyễn Gia Bảo - THPT Phan Huy Chú), Tăng cường hoạt tính quang xúc tác xử lý ô nhiễm môi trường của g-C3N4 bằng hiệu ứng cộng hưởng plasmon bề mặt (Đỗ Minh Quân, Nguyễn Thiên Lương - THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam).
Các dự án đạt giải Nhì và giải Ba gồm: Nghiên cứu chủng vi sinh phòng chống nấm phytopthora gây bệnh trên cây sầu riêng (Lê Ngọc Minh, Đào Đức Minh - THPT Phan Đình Phùng), Ứng dụng Look&Tell, giải pháp hỗ trợ giao tiếp cho người điếc bằng trí tuệ nhân tạo (Ngô Minh Quang, Mai Khôi Nguyên - THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam).