Với kiến thức nền của môn tự nhiên xã hội, bài “Phòng tránh hỏa hoạn khi ở nhà”, cô Linh đã giới thiệu các nguyên nhân gây cháy, những thiệt hại do cháy, đồng thời tổ chức cho học sinh hoạt động theo nhóm, sử dụng vật liệu tạo ra biển báo phòng, chống cháy nổ tại nhà.
Em Nguyễn Ngân Hà, học sinh lớp 3G hào hứng nói: Em thích bài tập thực hành làm biển báo phòng, chống cháy, nổ. Em còn được cô giáo hướng dẫn cách giữ an toàn cho mình, nhất là khi sử dụng thiết bị điện ở nhà.
Dù điều kiện dạy học không nhiều thuận lợi như các trường ở khu vực nội thành, song học sinh Trường Tiểu học Tây Đằng B và Trường Tiểu học Phú Sơn (huyện Ba Vì) đã có nhiều trải nghiệm lý thú với việc thường xuyên được cô giáo hướng dẫn thực hành làm các vật dụng từ sản phẩm tái chế, làm quen nhiều hơn với hình thức làm việc nhóm, có thêm kỹ năng truyền đạt thông tin và kỹ năng nghiên cứu...
Ông Phùng Ngọc Oanh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ba Vì cho biết, thay vì triển khai dưới hình thức các hoạt động ngoại khóa, giáo dục STEM được đưa vào kế hoạch giáo dục nhà trường, triển khai trong chương trình chính khóa. Việc thí điểm giáo dục STEM từ đầu năm học đến nay đã cung cấp cho giáo viên những kiến thức, kỹ năng cốt lõi để có thể triển khai bài bản, hiệu quả.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện giáo dục STEM tại Hà Nội còn gặp một số khó khăn. Do là nội dung mới nên chưa có tài liệu, hướng dẫn cụ thể, giáo viên đôi khi lúng túng. Nhiều lớp học ở Hà Nội có sĩ số học sinh/lớp khá cao nên việc tổ chức cho các em thực hành, trưng bày sản phẩm chưa thực sự hiệu quả.