PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, tình trạng quá tải trường lớp tại Hà Nội xuất phát từ 2 nguyên nhân. Trước hết, cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, tốc độ gia tăng dân số của Hà Nội rất nhanh, không chỉ về mặt tự nhiên mà còn tăng nhanh do nhập cư. Trong khi đó, số lượng trường lớp lại chưa đáp ứng kịp nhu cầu học tập. Hàng loạt các dự án chung cư, khu đô thị mọc lên, song vấn đề xây dựng các thiết chế xã hội như trường học lại chưa thực sự được quan tâm đúng mức, tương xứng.
Ông Vỳ cho rằng, một áp lực khác đến từ chính những mong cầu của phụ huynh, khi mong muốn con có thể vào các trường THPT công lập tốt, các trường chất lượng cao, trường chuyên lớp chọn. Tâm lý này cũng làm gia tăng áp lực tuyển sinh. Kỳ thi vào lớp 10 ở Hà Nội cũng như một số thành phố lớn khác năm nào cũng rất căng thẳng.
Phụ huynh luôn kỳ vọng con có thể vào được THPT để rộng đường vào đại học, bởi vậy cuộc đua vào lớp 10 càng quyết liệt hơn nữa. Cũng liên quan vấn đề trên, TS. Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD&ĐT cho hay, trách nhiệm này thuộc về UBND thành phố Hà Nội không đáp ứng được nhu cầu học của nhân dân. Thấy nhu cầu học như vậy, các cấp chính quyền phải quy hoạch lại sớm chứ không thể để tình trạng thi lớp 10 còn khó hơn thi đại học. Cần phải có chính sách thu hút xã hội hóa, phải mở rộng trường công cho con em không có điều kiện theo học trường tư.
Học tiếp lên THPT là cánh cửa duy nhất
Phân tích từ số liệu thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội cho thấy, Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng là khu vực có tỉ lệ chọi giữa chỉ tiêu và số thí sinh đăng ký nguyện vọng 1 thấp nhất trong khu vực nội thành, 1,54. Đây cũng là khu vực tuyển sinh có tỉ lệ chọi 3 nguyện vọng/chỉ tiêu thấp nhất toàn TP Hà Nội, 2,21.
Trong khi đó, ở các khu vực ngoại thành, tỉ lệ chọi giữa chỉ tiêu và NV 1 thấp nhất là khu vực 12, Mỹ Đức - Ứng Hòa, 1,16 nhưng tỉ lệ chọi giữa chỉ tiêu và tổng 3 NV thì lại vọt lên cao nhất 4,65. Khu vực Thạch Thất - Quốc Oai cũng tương tự…
Những con số này có thể thấy, số lượng thí sinh “bản địa” có nhu cầu vào lớp 10 tại các khu vực ngoại thành không cao, thậm chí có nhiều trường NV1 còn thấp hơn chỉ tiêu như THPT Minh Quang (Ba Vì), chỉ tiêu 450 nhưng số lượng NV1 chỉ có 229. Nhưng số thí sinh NV2, NV3, những nguyện vọng được cho là chống trượt, “nhảy dù” thì lên đến trên 3.200.
Như vậy phụ huynh cũng như học sinh đang tìm mọi cơ hội để có thể có suất vào học lớp 10 ở các trường THPT. Hiện tượng này đã dẫn đến tình trạng không chỉ trường công mà trường THPT tư thục cũng quá tải. Nhiều trường tư thục điểm chuẩn còn cao hơn trường công như THPT Marie Curie cơ sở Mỹ Đình điểm đầu vào là 41, THPT Lương Thế Vinh cơ sở Cầu Giấy trung bình 8,5 điểm/môn...
Theo công bố của Sở GD&ĐT Hà Nội, số học sinh vào lớp 6 năm học 2023 – 2024 là 188.400, tăng khoảng 38.000 học sinh so với năm học 2022 – 2023. 4 năm tới, số học sinh vào lớp 10 của Hà Nội tăng rất cao.
Mặt khác, công tác hướng nghiệp trong các trường THCS chưa đạt được như mong muốn. Trong khi đó, việc dạy văn hóa trong các trường nghề vẫn chưa tìm được tiếng nói chung giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang là rào cản để các trường cao đẳng nghề mở cửa, đầu tư đón nhận học sinh tốt nghiệp THCS vào học.