Kỳ thi vào lớp 10 tại Hà Nội đã diễn ra thuận lợi, an toàn. Thí sinh được hỗ trợ tối đa mọi điều kiện tốt nhất.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập không chuyên năm học 2024-2025 diễn ra trong các ngày 8 và 9/6 với sự tham dự của gần 106 nghìn thí sinh. Với kỳ thi có quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, đòi hỏi công tác tổ chức, nhất là khâu coi thi phải chặt chẽ, nghiêm túc để bảo đảm công bằng, thực chất.
Để tổ chức kỳ thi, Hà Nội đã thành lập 201 điểm thi với hơn 4.500 phòng thi. Cùng với đó, tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên được huy động làm nhiệm vụ tổ chức kỳ thi ở các khâu là gần 20.000 người.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương kiểm tra công tác coi thi tại điểm thi Trường THPT Việt Đức. |
Ngay khi nhận nhiệm vụ vào sáng 7/6, trưởng điểm của 201 điểm thi trên địa bàn thành phố đều nghiêm túc tổ chức học tập quy chế cho tất cả thành viên, trong đó lưu ý kỹ về quy trình coi thi cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của người tham gia làm nhiệm vụ.
Cùng với đó, trong buổi làm thủ tục dự thi, các giám thị đã tổ chức học tập quy chế thi cho thí sinh, trong đó nhấn mạnh đến Điều 14 về trách nhiệm của thí sinh và Điều 54 về việc xử lý thí sinh vi phạm quy chế thi. Đồng thời nhắc nhở các em không nên mang vật dụng không được phép đến điểm thi, nhất là điện thoại di động.
Các điểm thi được chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất. |
Đảm bảo nguồn điện dự phòng trong trường hợp xảy ra mất điện. |
Ông Lê Trung Kiên - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Trưởng điểm thi Trường THCS Dương Nội (quận Hà Đông) thông tin: Điểm thi có 32 phòng thi với 768 thí sinh, 191 cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ.
Bên cạnh việc quán triệt quy chế và các quy định liên quan, lãnh đạo điểm thi lưu ý các điểm mới trong quy chế thi năm nay là danh sách các vật dụng thí sinh được, không được phép mang vào phòng thi. Yêu cầu được nhấn mạnh tới cán bộ coi thi là nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc quy chế thi để bảo đảm công bằng cho thí sinh.
Còn bà Đỗ Thị Thu Phương - Hiệu trưởng Trường THCS Trần Phú (quận Hoàng Mai) cho biết: Là một trong 201 địa điểm thi vào lớp 10 của thành phố, nhà trường đã chuẩn bị chu đáo các điều kiện cơ sở vật chất, đảm bảo kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn. Đồng thời, các thầy cô không quên nhắc nhở học sinh phải chấp hành đúng quy định, không mang điện thoại vào phòng thi.
Lực lượng thanh niên tình nguyện hỗ trợ thí sinh dự thi. |
Em Nguyễn Gia Minh, thí sinh dự thi tại điểm thi Trường THCS Trần Phú chia sẻ: Trước khi vào phòng thi, các thầy cô đã luôn nhắc nhở việc mang điện thoại sẽ bị đình chỉ thi, mất cơ hội tham gia xét tuyển vào trường công lập. Sự sát sao, nghiêm túc của các thầy, cô làm nhiệm vụ đã làm gương, giúp em và các bạn trong phòng thi có ý thức chấp hành quy chế thi trong suốt ba buổi thi.
Trong 2 ngày diễn ra kỳ thi với hơn 300 nghìn lượt thí sinh dự thi, chỉ có 2 thí sinh bị đình chỉ thi do mang điện thoại di động, giảm nhiều so với năm trước và không có cán bộ coi thi vi phạm quy chế thi. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng khẳng định thông tin lộ đề thi môn Ngữ văn là sai sự thật. Điều này khẳng định công tác coi thi đã diễn ra nghiêm túc, chấp hành nghiêm quy chế.
Thí sinh gãy tay không thể viết bài nhận được sự hỗ trợ đặc biệt nhưng vẫn đảm bảo đúng quy chế thi. |
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương, 201 điểm thi trên địa bàn thành phố đã hoàn thành khâu coi thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế. Kết quả ban đầu trong công tác tổ chức kỳ thi được coi là cuộc tập dượt ý nghĩa để Hà Nội có thêm kinh nghiệm trong việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 6/2024.
Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT được tổ chức hằng năm, tuy nhiên, với quy mô lớn, tính cạnh tranh cao, đòi hỏi công tác tổ chức kỳ thi cần chặt chẽ, công bằng. Để đạt mục tiêu này, cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở đều đã chung sức chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an ninh, an toàn ở mọi khâu và thuận lợi nhiều nhất cho thí sinh.
Trước ngày thi chính thức, Ban Chỉ đạo thi, tuyển sinh thành phố, các quận, huyện, thị xã liên tục đi kiểm tra trực tiếp tại từng điểm thi, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc triển khai phương án ứng phó với các tình huống phát sinh về thiên tai, dịch bệnh hoặc các sự cố về sức khỏe của thí sinh.
12 thí sinh có vấn đề về sức khỏe đã được hỗ trợ để hoàn thành kỳ thi theo đúng nguyện vọng, trong đó có 9 thí sinh bị gãy tay, 2 em cần tiêm insulin 24/24h và 1 em bị điếc bẩm sinh.
Sở Y tế đã phối hợp các lực lượng chức năng ở địa phương bảo đảm vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi; bố trí các điểm ứng trực tại các điểm thi...
Công an thành phố tập huấn kỹ cho cán bộ coi thi cách nhận diện và ngăn chặn việc sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận, thường xuyên nắm bắt thông tin về tình hình an ninh an toàn của kỳ thi để khoanh vùng xử lý. Thành Đoàn Hà Nội huy động hơn 4.000 tình nguyện viên tham gia phân luồng giao thông, hỗ trợ thí sinh.
Thí sinh vui mừng khi hoàn thành bài thi. |
Trong hai ngày kỳ thi diễn ra, dù thời tiết khu vực Hà Nội diễn biến phức tạp, song tại các điểm thi không xảy ra tình trạng úng ngập; không có ùn tắc, tập trung đông người tại cổng trường. Hệ thống điện lưới tại các điểm thi được vận hành ổn định.
Làm nhiệm vụ tại điểm thi Trường THCS Thạch Thất (huyện Thạch Thất), cô Nguyễn Thị Phương Thảo - Giáo viên Trường THPT Ngô Quyền (huyện Ba Vì) - chia sẻ: Cảm xúc của giáo viên coi thi là cũng lo lắng, căng thẳng và hồi hộp như các thí sinh. Mỗi một kỳ thi đều có tâm trạng và cảm xúc khác nhau nhưng chưa bao giờ hết cảm giác hồi hộp, lo lắng cho học sinh, không biết đề dễ hay khó, học sinh có làm được bài hay không.
Cô Thảo cho rằng kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc và đã kết thúc thành công. Học sinh đã được tạo điều kiện thuận lợi tối đa trong quá trình dự thi. Không chỉ có sự theo dõi, động viên từ bố mẹ, từ gia đình mà thầy cô cũng luôn quan tâm, theo sát các em. Lực lượng thanh viên tình nguyện, các chú công an và các bác bảo vệ, nhân viên y tế cũng hỗ trợ các em hết sức nhiệt tình.
Đề thi sáng tạo, ý nghĩa, đổi mới
Nhận định chung về đề thi, các giáo viên cũng cho rằng, đề thi vừa sức với đa số học sinh nhưng vẫn đảm bảo có độ phân hóa nhất định, phù hợp với yêu cầu phát triển năng lực học sinh của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Cùng với đó, đề thi mang đậm tính thời sự, thực tiễn cuộc sống.
Cụ thể ở môn Ngữ văn, hai phần nội dung của đề thi đã khơi gợi được những nhận thức quá khứ lịch sử, vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam. Bài thơ Đồng chí của nhà thơ Chính Hữu là tác phẩm tiêu biểu viết về người lính cách mạng thời kỳ kháng chiến chống Pháp.
Còn đối với môn Toán, các thí sinh khá hào hứng khi thấy đề thi đã đề cập đến sự kiện kỉ niệm 70 Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.