Tăng cường thực hành về PCCC
Chăm chú nghe các chiến sĩ cảnh sát PCCC và CNCH tuyên truyền từ đầu đến cuối, em Bùi Cao Sâm - học sinh lớp 8A chia sẻ: "Khi phát hiện đám cháy lớn, em sẽ hô hoán mọi người xung quanh để tìm sự giúp đỡ, sau đó gọi vào số máy 114 để báo cho lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp đến hiện trường vụ cháy. Nếu có cháy thì mình phải di chuyển thấp người để tránh bị ngạt khói. Sau buổi ngày hôm nay, em đã thu nhận được rất nhiều kiến thức bổ ích về phòng cháy. Em sẽ tích cực giới thiệu tới người thân, gia đình, bạn bè những kỹ năng đó để mọi người cùng thực hiện".
Theo lãnh đạo Đội Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy - cứu nạn cứu hộ, Công an huyện Hoài Đức, một trong những nguyên nhân dẫn đến cháy nổ là do sự cố về nguồn điện, nguồn nhiệt. Tại trường học, nguồn nhiệt có thể xuất phát từ việc sử dụng lửa tại phòng thí nghiệm, bếp ăn; nguồn điện chạy các thiết bị làm mát như điều hòa vào mùa nắng nóng bị quá tải... Các nhà trường, đơn vị cần thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng để đảm bảo an toàn.
Do đó, việc tổ chức công tác PCCC, đảm bảo an toàn cho người và tài sản tránh mọi khả năng gây ra cháy phải là ưu tiên hàng đầu của mọi tổ chức, đơn vị và hộ gia đình. Tại các trường đều phải lắp hệ thống báo cháy, bình chữa cháy xách tay (bình bột và bình khí CO2), nội quy PCCC, tiêu lệnh chữa cháy được treo đầy đủ.
Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành dự thảo Thông tư quy định việc lồng ghép kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ vào chương trình giảng dạy, hoạt động giáo dục trong các cơ sở giáo dục. Đối với giáo dục mầm non, thời lượng thực hiện đảm bảo hợp lý, không áp đặt, khiên cưỡng, phù hợp với đặc điểm lứa tuổi của trẻ. Đối với học sinh tiểu học 5 tiết/năm học (1 buổi); học sinh THCS 10 tiết/năm học (2 buổi)...