Hạ Yên Quyết – Làng khoa bảng giữa kinh kỳ Thăng Long

Trần Hoà | 24/01/2022, 09:49
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Là một trong những làng khoa bảng nổi tiếng Thăng Long, đất học Hạ Yên Quyết đã có hàng chục người đỗ đại khoa và có những cống hiến vang danh sử sách.

Làng Hạ Yên Quyết tên Nôm là Bạch Liên Hoa, nay thuộc phường Yên Hoà (Cầu Giấy – Hà Nội). Làng xưa là cửa ngõ phía tây kinh thành Thăng Long, hội tụ nhiều nhân tài khiến khắp nơi biết tiếng.

Dòng họ khoa bảng

Theo cuốn “Bạch Liên khảo ký” (soạn năm 1832) thì ban đầu làng Hạ Yên Quyết - Bạch Liên Hoa có 5 họ: Nguyễn, Hoàng, Quản, Doãn, Trần, sau thêm các họ Phạm, Lê, Ngô và lập thành 8 giáp Đông - Đoài. Bức hoành phi “Cư ngũ ngự bát” (5 dòng họ về cư trú, lập thành 8 giáp) hiện treo ở phía trong gian giữa ngôi đình cổ của làng đã chứng minh điều đó.

Làng Hạ Yên Quyết là vùng quê có truyền thống hiếu học và khoa bảng, nằm trong “tứ danh hương” của huyện Từ Liêm xưa với 10 tiến sĩ nổi tiếng đương thời: Hoàng Quán Chi (đỗ Thái học sinh năm 1393), Nguyễn Như Uyên (Hoàng giáp, 1469), Nguyễn Xuân Nham (1499), Nguyễn Khiêm Quang (1523), Nguyễn Quang Huệ (1535), Nguyễn Huy (1553), Hoàng Bồi (1565), Nguyễn Nhật Tráng (Hoàng giáp, 1595), Nguyễn Dụng Triêm (1602), Nguyễn Vinh Thịnh (1659).

ha-yen-quyet-1.jpg
Bia đá cổ ở đình Hạ Yên Quyết.

Theo các cao niên làng Hạ Yên Quyết, thủy tổ họ Nguyễn là Nguyễn Như Uyên vào khoa thi Kỷ Sửu, năm Quang Thuận thứ 10 (1469) đã đỗ Đệ nhị giáp tiến sĩ, trở thành người khai khoa cho làng. Từ đây, hậu duệ Nguyễn Như Uyên đời nối đời tiếp dòng khoa bảng, đầy nhà một sân quế hòe, vinh danh gia tộc.

Đời thứ hai của dòng họ Nguyễn có Xuân Nham đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân năm 1499. Sau đó đến Nguyễn Khiêm Quang đỗ Giải nguyên, khoa thi Quý Mùi (năm 1523), được ban Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân, làm quan tới chức Tham chính.

66 năm sau, họ Nguyễn có Nguyễn Tráng đỗ hội nguyên khoa thi Ất Mùi (năm 1589). Khi thi đình, Nguyễn Tráng đỗ Hoàng giáp và làm quan tới chức Đô cấp sự trung, Tá lý công thần. Khi mất được vua phong là Bỉnh Trung Đại vương.

Đến đời thứ 8 của họ Nguyễn có cụ Vinh Thịnh đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sỹ xuất thân, khoa thi Kỷ Hợi (1659), làm quan tới chức Thẩm hình viện, Giám sát ngự sử. Ngoài ra, thời phong kiến dòng họ Nguyễn làng Hạ Yên Quyết còn có 33 người đỗ cử nhân, tú tài được bổ làm Tri huyện, Giám trường ở các nơi.

ha-yen-quyet-4.jpg

Hệ thống đình – chùa Hạ Yên Quyết lưu giữ dấu ấn khoa bảng.

Không lấy đỗ, tiếp tục thi để đỗ

Dòng họ lớn thứ hai của Hạ Yên Quyết là họ Hoàng. Theo cuốn “Thế phả họ Hoàng” do cháu đời thứ 15 là Hoàng Thúc Hội đỗ cử nhân khoa Canh Tý và Hoàng Tất Đạt cử nhân huấn đạo ghi lại, thì cụ thuỷ tổ của họ Hoàng là Hoàng Quán Chi làm quan Thượng thư thời Trần.

Cụ Chi đỗ Thái học sinh khoa thi năm Quý Dậu (1398) làm quan đến chức Thượng thư Thẩm hình viện. Khi mất được tặng Lễ bộ Thượng thư. Con trai ông là Hoàng Công Tình tham gia cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo, được phong chức Chỉ huy sứ.

Các cao niên trong làng kể rằng: Cụ Chi sinh ra ứng với điềm sao trên trời. Tương truyền khi thân mẫu sáng sớm đi gánh nước, thấy có ngôi sao sa vào thùng nước bèn lấy vạt áo đậy lại đem về để uống. Sau đó có mang và sinh ra Quán Chi. Lớn lên Quán Chi rất thông minh, văn chương trội hơn cả nước.

Chuyện này, nhiều người cho rằng chỉ là một giai thoại để giải thích cho cuộc đời của một danh nhân. Tuy nhiên, trong sách “Bạch Liên khảo ký” cũng thấy những dòng chép tương tự như vậy. Thậm chí, sách “Từ Liêm đăng khoa lục” còn ghi tiến sĩ của Từ Liêm xưa bắt đầu từ cụ Quán Chi và là người đỗ đại khoa mở đầu cho huyện.

Một trong những tiến sĩ rất nổi tiếng của họ Hoàng là Hoàng Bồi - cháu xa đời của Hoàng Quán Chi. Ông từng đỗ trong khoa thi năm Ất Sửu niên hiệu Thuần Phúc 4 (1465). Tuy nhiên khi các tiến sĩ tân khoa ra mắt, vua nhà Mạc thấy Hoàng Bồi thì thấp bé, một tân khoa nữa là Nguyễn Chi thì bị chột mắt – vua ngán ngẩm than rằng: “Nhân tài thế này thì thế nước còn được bao lâu?”, bèn không lấy đỗ cả hai người.

ha-yen-quyet-5.jpg

Lễ hội Hạ Yên Quyết tưởng nhớ tiền nhân và các bậc tiên hiền.

Không nản, khoa thi sau (1568), Hoàng Bồi lại dự thi và tiếp tục đỗ tiến sĩ. Với tài năng và quyết tâm khoa cử, vua nhà Mạc buộc phải công nhận ông. 16 đời sau của họ Hoàng tính từ đời cụ Quán Chi đều có người đỗ đạt cao. Đời thứ 17 có Hoàng Mạnh Lãng du học tại Pháp, làm phủ phán thống sứ Bắc kỳ, được Nam triều ban văn giai bát phẩm.

Dòng họ không kém vinh hiển của làng Hạ Yên Quyết là họ Quản gắn với tên tuổi cụ Quản Huy Cảnh đỗ hương khoa. Họ Doãn xếp thứ tư trong bốn họ lớn của làng với ba người đỗ đạt làm quan là: Doãn Tuấn Tài thi hội trúng tam trường, Doãn Trung Lương, Doãn Cư Vị đỗ Hồng lô tư hạp môn sứ. Họ Đỗ được xếp sau họ Doãn nhưng có tới 7 người đỗ hương khoa làm chức huấn đạo, tri huyện.

Nhân tài ở khắp làng

Nguyễn Như Uyên (1436 - ?) nhà nghèo tự học mà đỗ Hoàng giáp, làm quan đến Chưởng lục bộ (như Tể tướng) kiêm Tế tửu Quốc tử giám, được phong Thái bảo, Liêm Quận công.

Trong suốt 30 năm làm quan triều đình nhà Lê, Nguyễn Như Uyên đã trải qua nhiều chức vụ quan trọng như: Thượng thư Bộ Lại, Chưởng Lục bộ sự kiêm Quốc Tử Giám Tế tửu, Nhập thị Kinh diên…

Ba lần ông cùng nhà vua đi chinh phạt Ai Lao, Lão Qua và Bồn Man, lập nhiều chiến công. Ông được ban thái ấp, tước vị, lập nên cơ nghiệp ở Hạ Yên Quyết. Khi về trí sĩ, triều đình phong cho ông làm Thái bảo, tước Liêm Quận công.

ha-yen-quyet-2.jpg

Chân dung Hoàng giáp Nguyễn Như Uyên.

Vua Lê Thánh Tông nổi danh sử sách là đấng minh quân, với 38 năm trị quốc, xung quanh nhà vua nhiều bề tôi giỏi, hàng nguyên lão đại thần có Nguyễn Xí, những trí thức trẻ có Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh... Nguyễn Như Uyên là một trong số đó.

Trong những thành tựu vẻ vang mà vua Lê Thánh Tông xây dựng như giữ yên biên thùy, mở mang bờ cõi, xây dựng luật Hồng Đức, vẽ bản đồ Hồng Đức, đào tạo các bậc hiền tài “nguyên khí quốc gia”... Nguyễn Như Uyên đều có công lao.

Mười năm sau khi thi đỗ, năm 1479 tù trưởng xứ Bồn Man là Cầm Công làm phản, xui người Lão Qua sang đánh nước ta. Vua Lê Thánh Tông điều động quân sĩ chinh phạt... Nguyễn Như Uyên được vua phong chức Ký lục có nhiệm vụ theo dõi ghi chép: “Trên từ tướng soái, dưới xuống quân lính, người nào chăm chỉ được việc hay lười biếng... Kẻ nào nhút nhát, hết thảy phải ghi cho rõ để tâu lên”. 5 đạo quân ra trận đã toàn thắng trở về.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Viện Sử học Việt Nam, Nguyễn Như Uyên cũng là người khai khoa truyền thống khoa bảng của dòng họ Nguyễn ở làng Hạ Yên Quyết. Nguyễn Như Uyên được dùng chữ Liêm trong tên huyện Từ Liêm làm hiệu cho tước phong của mình.

Theo lệ tập ấm, các con và cháu trưởng của Nguyễn Như Uyên cũng được phong tước hoặc hàm tản quan, được xếp vào hạng quan viên tử, quan viên tôn, có vị trí nhất định trong xã hội.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu Quốc Tử Giám cho biết, qua những ghi chép của lịch sử có thể thấy, tiến sĩ Quốc Tử Giám Tế tửu Nguyễn Như Uyên là người văn võ song toàn, học vấn uyên thâm.

Cho đến nay dù các khảo sát khoa bảng chưa thật đầy đủ, ngoài 10 tiến sĩ làng Hạ Yên Quyết còn có gần 30 hương cống thời Lê và 9 cử nhân thời Nguyễn. Nhiều người làm đến chức vụ lớn, trở thành rường cột của triều đình xã tắc.

ha-yen-quyet-3.jpg
Phẩm oản dâng cúng tiền nhân theo lệ khuyến học xưa.

Có thể nói, sự đỗ đạt và hoạt động sau này của nhiều nhà khoa bảng làng Hạ Yên Quyết đều có liên quan đến sự nghiệp giáo dục. Từ một người đỗ cao, làm quan lớn như Nguyễn Như Uyên cũng từng vai qua vai trò và trọng trách Tế Tửu Quốc Tử Giám (hiệu trưởng), rồi đọc sách giải nghĩa cho vua.

Nhiều người khác trong làng làm thầy đồ, giáo thụ hoặc huấn đạo ở các tỉnh để chăm lo, đốc thúc việc học các nơi. Nhiều người về làng hoặc đến các nơi khác mở trường dạy học. Trong số đó, nổi tiếng nhất là cụ Nguyễn Công Thịnh, thi hội trúng tam trường vào khoa Kỷ Hợi (1779).

Cụ Thịnh sau đó được bổ làm Nho học Huấn đạo thuộc phủ Lâm Thao, khi về hưu lại mở trường dạy học, học trò lên tới vài trăm người. Sau khi thầy mất, học trò đã xây lăng thờ và góp được 2 mẫu ruộng làm hoa lợi cúng giỗ thầy hàng năm. Đến đời Minh Mệnh năm thứ 8 (1827) các học trò lại lập “Truy tự bi” để ghi nhớ công ơn dạy dỗ.

Sự học hành thành đạt của người làng Hạ Yên Quyết được nhiều nhà nghiên cứu tìm hiểu và cho rằng, ngoài tinh thần hiếu học thì làng có lợi thế ở gần kinh đô, kinh tế khá phát đạt với nhiều nghề thủ công, buôn bán. Hơn nữa, làng có một chế độ khuyến học thoả đáng, khi dành ra 3 mẫu ruộng “độc thư điền” để biếu cho người đỗ tiến sĩ trở lên. Ngày ông nghè về vinh quy, cả làng đem cờ lọng đón rước và mừng 100 quan. Ngoài ra còn thưởng ruộng cho cả người đỗ cử nhân, tú tài.

Hiện nay, tại làng Hạ Yên Quyết vẫn còn nhà thờ của các dòng họ như tiến sĩ Hoàng Quán Chi, Nguyễn Như Uyên, Nguyễn Xuân Nham – là biểu tượng cho truyền thống học hành thành đạt của người làng. Trong các lễ hội truyền thống, làng vẫn luôn giữ tục dâng oản theo lệ khuyến học xưa.

Bài liên quan
Làng khoa bảng Hành Thiện và huyền tích cá chép vượt vũ môn
Trong các làng khoa bảng nước ta, Hành Thiện (Nam Định) có những nét đặc biệt hơn cả. Ngôi làng có hình cá chép gắn liền với nhà địa lý Tả Ao ẩn chứa nhiều huyền tích lạ kỳ.

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hạ Yên Quyết – Làng khoa bảng giữa kinh kỳ Thăng Long