Ở trận lượt đi, Indonesia là đội chủ động nhường quyền kiểm soát thế trận cho ĐT Việt Nam, phòng ngự chắc chắc và tiếp cận khu vực 1/3 cuối sân với tốc độ tấn công nhanh. Còn trên sân Mỹ Đình, các học trò của HLV Shin Tae-yong buộc phải đẩy cao đội hình, trong một thế trận sở trường của ĐT Việt Nam.
Chất lượng phòng ngự của đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Park Hang-seo lần đầu tiên có dịp được phô diễn một cách toàn diện đến thế tại kì AFF Cup lần này.
Sơ đồ 5-3-2 có tính tổ chức cao trên phần sân nhà của ĐT Việt Nam. |
Trong bối cảnh đội chủ nhà không dâng cao đội hình như những gì đã diễn ra ở trận đấu lượt đi, vũ khí tấn công mạnh nhất của Indonesia từ những đường chuyền dài ra sau lưng hàng phòng ngự đối phương đã không còn xuất hiện theo một cách đủ nguy hiểm.
Bên cạnh đó, sơ đồ phòng ngự 5-3-2 ở phần sân nhà cho phép hai wing-back là Hồ Tấn Tài và Đoàn Văn Hậu gây áp lực trực tiếp lên cặp đôi Pratama Arhan và Asnawi Mangkualam cũng khiến đội bóng của HLV Shin Tae-yong gặp bối rối trong nỗ lực triển khai tấn công.
Pratama hay Asnawi bị kiềm tỏa ngay ở thời điểm vừa nhận bóng. |
Văn Hậu và Tấn Tài đủ sức mạnh và sức nhanh trong các tình huống gây sức ép trực tiếp ở hành lang cánh. |
Phải đến phút thứ 55 của trận đấu, đội bóng của HLV Shin Tae-yong mới có được pha dứt điểm đầu tiên về phía khung thành của Đặng Văn Lâm từ một tình huống bóng mở. Indonesia rơi vào bối cảnh tương tự ĐT Việt Nam ở trận đấu lượt đi.
Tại Bung Karno, đội bóng của HLV Park Hang-seo chỉ có thể chờ đợi vào những tình huống dứt điểm từ ngoài vòng cấm hoặc các tình huống cố định. Trong khi đó, trên sân Mỹ Đình, có đến hơn một nửa pha dứt điểm của Indonesia đến từ các pha bóng cố định. Thậm chí, đội bóng này còn không thực hiện được bất kì một tình huống dứt điểm trúng đích nào.
Ngay cả khi Indonesia có thời cơ dứt điểm, ĐT Việt Nam vẫn có đủ quân số để truy cản. |
Đã có tới 2 trong 4 sự thay đổi người của HLV Park Hang-seo dành cho các trung vệ. Cần khẳng định rằng ĐT Việt Nam đã có một phương án chiến thuật ưu việt hơn nhiều khi trở lại Mỹ Đình. Chúng ta có phương án để khai thác hàng phòng ngự của đối phương, và đưa trận đấu vào thế trận sở trường của mình.
Một chiến thắng đầy thuyết phục của chiến lược gia người Hàn Quốc trước người đồng hương Shin Tae-yong. ĐT Việt Nam xứng đáng có mặt tại chung kết với những gì đã thể hiện sau trận đấu này, theo một cách rất Park Hang-seo.
Đó vẫn là những gì đặc trưng của chính ĐT Việt Nam trong nhiều năm qua. Không phải một đội bóng có thể áp đặt đối phương liên tục, nhưng luôn có những tính toán chiến thuật khó lường dựa trên nền tảng hệ thống phòng ngự được tổ chức một cách khoa học.
Công thức ấy không phải lúc nào cũng mang đến thành công, nhưng đó có phải là công thức mang đến một kết quả viên mãn cho ông Park Hang-seo tại giải đấu cuối cùng trên cương vị HLV ĐT Việt Nam?