Hài hòa giữa học văn hóa và học nghề

N. Chuyên | 04/09/2022, 17:20
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Năm học mới 2022 - 2023, các trung tâm GDNN - GDTX thực hiện Chương trình GDPT mới với lớp 10. Để bắt nhịp yêu cầu cũng như đáp ứng chuẩn đầu ra, việc lựa chọn và bồi dưỡng đội ngũ cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất được các đơn vị chuẩn bị từ cuối năm học trước.

Tạo đà cho năm học sau

Theo ông Đoàn Văn Hương – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Kạn, công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cho năm học mới ở địa phương cơ bản đáp ứng được yêu cầu của Chương trình GDPT 2018. Tuy nhiên, năm đầu tiên lớp 10 học Chương trình GDPT mới, do đó ngoài các chương trình tập huấn thì đại diện Sở GD&ĐT Bắc Kạn cũng như nhiều tỉnh khác mong muốn Bộ GD&ĐT có một văn bản hướng dẫn tổng thể để thực hiện, trong đó bao gồm của nội dung của giáo dục thường xuyên.

Ông Hương nói: “Nếu lớp 10 chúng ta thực hiện tốt thì những năm sau theo đà đó chất lượng GDNN - GDTX mới có thể tốt hơn được. Chương trình GDPT 2018 đã bảo đảm được tính phân luồng, học sinh căn cứ vào năng lực của bản thân để lựa chọn là chủ trương lớn để định hướng nghề nghiệp”.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng trăn trở những khó khăn mà các trung tâm GDNN - GDTX ở Bắc Kạn phải đối mặt là thiếu thiết bị mới phục vụ giảng dạy theo Chương trình GDPT 2018. Lý giải nguyên nhân, ông Hương cho biết: “Các trung tâm GDTX - GDNN do UBND huyện quản lý mà hiện nay một số huyện đang chú trọng đến trường THCS, tiểu học mà chưa quan tâm nhiều đến trung tâm GDTX - GDNN. Bên cạnh đó, các trung tâm không tự chủ kinh phí mua sắm thiết bị, do vậy quá trình giảng dạy học tập sẽ thiếu”.

Đồng quan điểm với ông Hương, ông Hà Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm GDNN – GDTX TP Buôn Ma Thuật cho biết: “Hiện, phòng thí nghiệm, phòng thực hành ở các trung tâm GDNN - GDTX đang thiếu, dẫn đến khó khăn trong quá trình giảng dạy. Mặt khác, trung tâm phụ thuộc vào tài chính của thành phố, huyện, do vậy nếu muốn được đầu tư cơ sở vật chất phải xin và chờ được xét duyệt”.

Trung tâm GDNN - GDTX quận Tây Hồ, TP Hà Nội đã sẵn sàng điều kiện để dạy học theo Chương trình GDPT mới. Giáo viên có dày dặn kinh nghiệm, thành thạo công nghệ thông tin được lựa chọn dạy lớp 10 năm học này.

Theo chia sẻ của Nguyễn Thị Thanh Huyền (giáo viên dạy môn Lịch sử, Trung tâm GDNN - GDTX quận Tây Hồ, TP Hà Nội), giáo viên cốt cán dạy chương trình mới phải nghiên cứu tài liệu, so sánh các bộ sách chương trình mới và cũ. Từ đó, trao đổi, cùng rút ra kinh nghiệm cho bản thân, đưa ra phương pháp giảng dạy phù hợp với chương trình.

Đối với việc lựa chọn tổ hợp môn học, ngoài ba môn bắt buộc Toán, Ngữ văn, Lịch sử, hệ GDTX dạy thêm 4 môn tự chọn gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý. Trung tâm GDNN - GDTX quận Tây Hồ dựa trên kết quả lấy ý kiến của phụ huynh, học viên, các đơn vị liên kết đồng thời dựa vào số lượng giáo viên mà trung tâm đang có lựa chọn để phân lớp. “Điểm hay, mới của Chương trình GDPT 2018 là phân luồng sớm, giúp người học định hướng nghề nghiệp rõ ràng; phát huy được mặt mạnh ở các bộ môn học đã đăng ký”, cô Nguyễn Thị Thanh Huyền nhìn nhận.

“Tôi hy vọng Chương trình GDPT 2018 là luồng gió mới để cán bộ giáo viên trong ngành Giáo dục nói chung và các trung tâm GDNN - GDTX có đủ khả năng, nhiều cơ hội phát huy tính sáng tạo, chủ động trong giảng dạy”, ông Phạm Hữu Hội – Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX Kim Sơn nói.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/hai-hoa-giua-hoc-van-hoa-va-hoc-nghe-post606449.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/hai-hoa-giua-hoc-van-hoa-va-hoc-nghe-post606449.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hài hòa giữa học văn hóa và học nghề