Cô Đoàn Thị Huệ, Phó Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, môi trường giáo dục mầm non có đặc thù khi trẻ chưa tự ý thức chăm sóc và giữ gìn sức khỏe bản thân, trong khi các con bán trú cả ngày trên trường. Vì thế, nhà trường luôn nêu cao công tác vệ sinh trường học, đảm bảo an toàn dịch bệnh. Ngay sau kì nghỉ Tết nguyên đán nhà trường đã phun thuốc muỗi các khu vực sân chơi, quanh trường để phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.
Khi có chỉ đạo của Ngành Giáo dục về phòng chống dịch bệnh, Ban Giám hiệu đã triển khai cụ thể tới từng giáo viên chủ nhiệm, đồng thời tuyên truyền tới phụ huynh các lớp. Trẻ đến trường và ra về phải được đeo khẩu trang, vệ sinh tay chân sạch sẽ. Nhà trường vệ sinh các lớp, khu vực chơi của trẻ bằng Cloramin B mỗi tuần 3 lần. Đồ dùng của các bé như thìa, ca cốc được hấp nóng; khăn mặt cứ 2-3 ngày được hấp nóng diệt khuẩn. Giáo viên chủ động giặt và sấy chăn, ga gối cho trẻ mỗi tuần.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Hải Phòng kiểm tra công tác phòng dịch tại Trường Tiểu học, THCS, THPT Vinschool Imperia Hải Phòng. |
Tại trường Mầm non Đại Đồng, huyện Kiến Thuỵ bên cạnh các biện pháp phòng dịch chung theo khuyến cáo của y tế, nhà trường chủ động theo dõi sức khoẻ của trẻ qua nắm bắt từ phụ huynh học sinh và kí sổ theo dõi hàng ngày. Theo cô Phạm Thị Nguyệt, Phó Hiệu trưởng nhà trường, quá trình phòng chống dịch bệnh nhà trường thực hiện nghiêm theo quy định. Trường đặc biệt quan tâm tới công tác tuyên truyền cho phụ huynh. Rất may, đến thời điểm này nhà trường chưa ghi nhận trường hợp trẻ nhiễm Covid-19.
Trường Tiểu học Dư Hàng, quận Lê Chân có hơn 1.200 học sinh trong đó có 800 học sinh ăn bán trú. Cô Chu Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, từ khi có diễn biến dịch Covid-19 trở lại ở một số trường học, nhà trường siết chặt công tác đảm bảo an toàn phòng dịch cho học sinh. Cụ thể, trước đây, mỗi bàn ăn có 8 cháu, nhưng giờ dãn rộng ra chỉ để 4-6 cháu ăn cùng 1 bàn. Học sinh ngủ trưa được sắp xếp, đảo vị trí đầu cuối tránh tiếp xúc gần. Nếu dịch phức tạp hơn nhà trường sẽ thực hiện dãn cách trò ra các phòng còn lại.
Theo cô Hằng, khó khăn nhất đối với nhà trường trong công tác phòng dịch hiện nay là nhiều phụ phụ huynh chủ quan, không quan tâm đến dịch bệnh. Trong khi nguồn chi của nhà trường để mua trang thiết bị phòng dịch không có phải huy động từ phía phụ huynh.
Trường Tiểu học Thuỷ Sơn, huyện Thuỷ Nguyên có 785 học sinh, trong đó có 200 học sinh ăn bán trú. Cô Lê Thị Hải, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, hàng ngày nhà trường vẫn thực hiện báo cáo trực tuyến công tác phòng dịch về phòng giáo dục. Học sinh đeo khẩu trang, sát khuẩn đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, nhà trường rất cần sự phối hợp chặt chẽ của phụ huynh theo dõi sức khoẻ con ở nhà. Vì nhiều trẻ mắc dịch nhưng không có biểu hiện ho sốt, thầy cô rất khó kiểm soát.
Ông Phạm Quốc Hiệu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT lưu ý các nhà trường đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch, không lơ là chủ quan. Đồng thời tăng cường tuyên truyền tới phụ huynh học sinh về việc đảm bảo sức khỏe cho con em, phòng chống dịch bệnh nói chung và dịch Covid-19 nói riêng. Nhà trường tăng cường rà soát dịch bệnh, đặc biệt đối với người có bệnh nền; lưu tâm với học sinh khối 9 và khối 12 khi các em đang ôn tập cho các kì thi. Các trường sẵn sàng các kịch bản để chuyển trạng thái dạy học nếu dịch có diễn biến phức tạp, đảm bảo học sinh dừng đến trường nhưng không dừng học.