Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

30/04/2024, 19:14
Theo dõi Giáo dục Thủ đô trên

Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.

Tài liệu từ chiến khu An Phú Đông được mang về in và đưa đi rải ở các chợ, bí mật giao đến hàng trăm cơ sở trong thành phố, tuyên truyền phát động phong trào đấu tranh trong Nhân dân, uy hiếp tinh thần của địch.

Tháng 11/1954, Đặc khu Sài Gòn - Gia Định và Tỉnh ủy Gia Định triển khai nhiều nghị quyết nhằm đẩy mạnh phong trào quần chúng đấu tranh đòi thi hành Hiệp định Genève, bảo vệ hòa bình, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước, đòi quyền dân sinh, dân chủ...

Hội sau đó mang tên mới là Ban ấn loát và phát hành trực thuộc Đặc khu ủy. Hàng tuần, các hội viên đánh máy liên tục, ngày đêm phát hành bản tin do tuyên huấn Đặc khu ủy biên soạn, in khoảng 2.000 bản phân phối ra các quận nội thành.

Khi đẩy miếng chắn đáy tủ (nắp hầm) sang bên, một cầu thang hiện ra dẫn lối xuống hầm.
Khi đẩy miếng chắn đáy tủ (nắp hầm) sang bên, một cầu thang hiện ra dẫn lối xuống hầm.

Căn hầm bí mật này còn là nơi lưu trữ thuốc men, hóa chất làm vũ khí… để giao liên đưa ra chiến khu.

Cuối năm 1957, một cơ sở của Hội trong nội thành bị địch phát hiện, vì vậy mọi liên hệ với hầm bí mật cắt đứt. Anh em tại hầm phân tán mỏng để bảo toàn lực lượng.

Trước tình hình căng thẳng, Đặc khu Sài Gòn - Gia Định quyết định giải thể Ban ấn loát. Ban quản trị Hội thống nhất ý kiến lấp hầm nhưng dùng đất lấp khó thực hiện nên dùng khạp (lu da bò). 90 khạp được sử dụng lấp hầm trong thời gian một tháng.

Đầu năm 1958, ít lâu sau khi hầm được lấp, mật thám của Diệm đến tiệm đàn bao vây bắt các hội viên. Dù chịu nhiều cực hình nhưng tất cả những người bị bắt đều kiên trung giữ vững lời thề “thà chết để bảo vệ hầm” (trích tư liệu của ông Ba Quang).

Sau đó, tên công an chìm Sài Gòn Đoàn Văn Khoa đã chiếm căn nhà trên. Đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, không hề ai biết có một hầm bí mật nằm bên dưới ngôi nhà.

Sau năm 1975, công trình Hầm bí mật của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn được khai quật và trùng tu. Địa đạo, hầm phụ và hầm chính được tôn tạo. Những dấu vết của một thời kỳ chiến đấu oanh liệt của các chiến sĩ trong Hội được khôi phục nguyên vẹn.

Bộ Văn hóa Thông tin đã xét duyệt và cấp bằng công nhận di tích theo Quyết định số 1288-VH/QĐ ký ngày 16/11/1988.

Ngày nay, căn nhà trở thành di tích lịch sử quốc gia và là điểm tham quan, dâng hương tưởng niệm của du khách trong nước, quốc tế.

Kết cấu căn hầm gồm hầm chính và hầm phụ cùng hệ thống địa đạo vừa một người chui lọt. Hầm chính dài hơn 3,5m, rộng 3,2m, cao 1,7m, sức chứa khoảng 20 người. Bên trong xây dựng công phu có thả đà chịu lực trên nóc, tường và nền trát xi-măng chống thấm. Trong khuôn viên di tích có một giếng nước đào cách hầm 2m, trên miệng giếng có lỗ thông hơi đường kính 10cm thông qua hầm chính để tạo không khí thông thoáng.

Theo giaoducthoidai.vn
https://giaoducthoidai.vn/ham-in-tai-lieu-bi-mat-giua-long-sai-gon-post681274.html
Copy Link
https://giaoducthoidai.vn/ham-in-tai-lieu-bi-mat-giua-long-sai-gon-post681274.html
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn