Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) - quân đội mạnh nhất Trung Đông với đội ngũ tình báo được cả thế giới nể phục – hoàn toàn trở tay không kịp khi bị Hamas tấn công vào ngày 7-10.

Đó là bình luận của YNetNews, cổng thông tin hàng đầu Israel.

Ngày 6-10-1973, lực lượng Israel bất ngờ bị liên quân Ả Rập tấn công, với hàng đoàn xe tăng từ Syria và Ai Cập tiến đánh. Cuộc chiến kéo dài tới ngày 26-10-1973 và được gọi là cuộc chiến Yom Kippur, vì diễn ra đúng dịp lễ Đền tội Yom Kippur linh thiêng nhất của người Do Thái.

Điều gì xảy ra trong ngày 7-10-2023?

Một ngày sau lễ kỷ niệm 50 năm cuộc chiến nói trên, Israel lại bất thần bị tấn công. Lần này là Hamas, một nhóm vũ trang tương đối nhỏ, bị cô lập trên dải đất hẹp Gaza.

Hamas không có lực lượng hải quân, không quân, đơn vị bọc thép hay tình báo, song đã đồng loạt đột kích vào Israel bằng cả đường không – bộ - biển trong sáng 7-10, cùng với việc dội hàng ngàn quả rốc-két qua biên giới.

Ngược lại, Israel sở hữu lực lượng quân đội thiện chiến, được trang bị hàng đầu thế giới cùng sức mạnh tình báo, công nghệ đáng nể. Tình báo Israel, bao gồm nhánh trong nước Shin Bet và đặc biệt là nhánh ngoài nước Mossad, đều cực kỳ đáng gờm.

Hamas dùng dù lượn xâm nhập Israel

Tiếp sau thất bại tình báo là một phản ứng chậm chạp và hỗn loạn của lực lượng quân đội và an ninh Israel, dẫn đến kết cục thương vong lớn chưa từng thấy trong nhiều năm và nhiều người Israel bị bắt làm con tin.

Nhiều người dân đã đặt câu hỏi không quân ở đâu khi các tay súng Hamas trang bị súng máy hạng nặng ủi sập hàng rào biên giới và chạy xe jeep, xe máy vào sâu lãnh thổ Israel? Làm sao Hamas đột nhập và chiếm quyền kiểm soát nhiều căn cứ của IDF?

"Không thể hiểu nổi"

"Để chuẩn bị và tiến hành một cuộc tấn công bài bản, phức tạp như thế, Hamas phải tích trữ một số lượng lớn vũ khí, đạn dược ngay sát nách người Israel" – tờ Times of Israel chỉ ra. Đó là chưa kể lực lượng tấn công, hoạt động tấn công mạng phủ đầu nhằm vào Israel, theo ông Mick Mulroy, cựu quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc.

"Kể từ năm 1973 tới nay, chưa bao giờ Israel gặp thất bại tình báo thảm họa như vậy" – ông Marc Polymeropoulous, chuyên gia mảng Trung Đông và Nam Á suốt 26 năm của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), nhận xét với NBC News.

Hamas và cơn ác mộng đen tối nhất của Israel - Ảnh 4.

Hàng rào thông minh ngăn cách Israel và Gaza bị ủi đổ ngày 7-10. Ảnh: X (Twitter)

Với mạng lưới tính báo dày đặc ở Bờ Tây và Gaza, theo ông Polymeropoulous, việc Israel không hay biết gì về kế hoạch của Hamas là "hầu như không thể hiểu nổi". Đáng ngạc nhiên không kém là cả tình báo Mỹ và các nước trong khu vực như Ai Cập, Jordan, Qatar, Ả Rập Saudi… dường như cũng không nhận thấy điều gì bất thường.

Trên thực tế, theo báo The New York Times, những tháng qua tình báo Israel có thu thập được một số chỉ dấu Hamas đang lên kế hoạch cho một chiến dịch lớn, song họ không hình dung được bức tranh tổng thể.

Tương tự, tình báo Mỹ cũng nắm được thông tin Hamas có thể sắp tấn công nhưng không hay biết về thời gian cụ thể cũng như cách thức tiến hành.

Hamas và cơn ác mộng đen tối nhất của Israel - Ảnh 5.

Rốc-két của Hamas trút xuống khu vực Rehovot của Israel ngày 7-10. Ảnh: Reuters

Sẽ còn cần nhiều thời gian và nghiên cứu để tìm ra nguyên nhân cho cú thất bại lịch sử của tình báo Israel. Tuy nhiên, trước mắt có thể chỉ ra một số điểm như sau:

Thứ nhất, Hamas đã tính toán kỹ khi chọn thời điểm Israel đang trong dịp lễ lớn.

Thứ hai, những tháng gần đây, quân đội và tình báo Israel bị phân tán tập trung do căng thẳng trong nước. Kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ liên minh do Thủ tướng Benjamin Netanyahu gây ra nhiều cuộc biểu tình lớn.

Thứ ba, một số chuyên gia cho rằng Israel tập trung quá nhiều vào Iran mà quên mất Hamas ngay sát bên.

"Hamas dường như bị cô lập ở Gaza. Với việc Israel đang bình thường hóa quan hệ với khu vực, Hamas đại diện cho một thế lực lỗi thời. Những điều này ru ngủ Israel trong cảm giác an toàn giả tạo" - báo Jerusalem Post nhấn mạnh.

Ông Aaron David Miller, chuyên gia của Carnegie, chốt lại: "Vấn đề thực sự ở đây là dường như Israel cho rằng Hamas không dám đột kích qua biên giới".

Ân oán dai dẳng hơn 15 năm

Hamas là nhóm vũ trang Hồi giáo người Palestine đang kiểm soát Dải Gaza, một vùng đất ven biển đông dân với hơn 2 triệu người Palestine sinh sống.

Hamas kiểm soát dải Gaza từ năm 2007 và tiến hành 4 cuộc chiến chống lại Israel. Hamas là một phần trong liên minh khu vực bao gồm Iran, Syria và nhóm Hezbollah ở Lebanon, vốn phản đối chính sách của Mỹ đối với Trung Đông và Israel.

Hamas và Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine, nhóm vũ trang lớn thứ hai trong khu vực, thường cùng nhau chống lại Israel. Hamas sử dụng mạng lưới đường hầm dưới biên giới Ai Cập - Gaza để buôn lậu vũ khí và vật tư dùng để chế tạo hàng ngàn quả tên lửa và máy bay không người lái.

Tuy nhiên, Hamas chỉ có một lượng nhỏ máy bay không người lái và lực lượng phòng không của Israel có thể vô hiệu hóa phần lớn mối đe dọa này.

Hamas và cơn ác mộng đen tối nhất của Israel - Ảnh 6.

Hình ảnh đống đổ nát của một tòa nhà sau khi bị tấn công trong cuộc không kích của Israel ở Gaza. Ảnh: AP

Sau khi Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza vào năm 2007, Israel tuyên bố đây là thế lực thù địch, đồng thời áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm cắt điện, hạn chế nhập khẩu và đóng cửa biên giới.

Từ đó, các cuộc tấn công của Hamas vào Israel vẫn tiếp tục và Israel cũng tấn công vào dải Gaza.

Theo Reuters, vào ngày 27-12-2008, Israel phát động cuộc tấn công quân sự kéo dài 22 ngày ở Gaza sau khi Hamas bắn tên lửa vào thị trấn Sderot phía Nam Israel. Khoảng 1.400 người Palestine và 13 người Israel được cho là đã thiệt mạng trước khi hai bên đạt được thỏa thuận ngừng bắn.

Xung đột giữa hai bên tiếp tục nổ ra vào các năm 2012, 2014, 2018.

Hamas và cơn ác mộng đen tối nhất của Israel - Ảnh 7.

Người Palestine trú ẩn trong các trường học do Cơ quan Cứu trợ và Hoạt động vì người tị nạn Palestine của Liên Hiệp Quốc (UNRWA) điều hành sau khi Hamas tấn công Israel ngày 7-10. Ảnh: Reuters

Đến tháng 5-2021, sau nhiều tuần căng thẳng trong tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, hàng trăm người Palestine bị thương trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh Israel tại tại khu đền Al-Aqsa ở Jerusalem.

Sau khi yêu cầu Israel rút khỏi khu vực này, phong trào Hamas đã phóng một loạt rốc-két vào Israel. Israel sau đó đã đáp trả bằng các cuộc không kích vào dải Gaza. Giao tranh kéo dài 11 ngày, khiến ít nhất 250 người ở Gaza và 13 người ở Israel thiệt mạng.

Vào tháng 8-2022, khoảng 44 người, trong đó có 15 trẻ em, thiệt mạng chỉ trong 3 ngày sau khi Israel không kích nhằm vào một chỉ huy cấp cao thuộc Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine.

Israel cho biết họ buộc phải phát động chiến dịch tấn công phủ đầu vì cho rằng nhóm này đang lên kế hoạch cho một cuộc tấn công được Iran hậu thuẫn.

Trước cuộc tấn công quy mô lớn hôm 7-10-2023, vào tháng 1 năm nay, Phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine bắn hai quả rốc-két về phía Israel sau khi quân đội Israel đột kích vào một trại tị nạn và giết chết 7 tay súng Palestine và 2 thường dân. Israel sau đó đáp trả bằng các cuộc không kích.

Ẩn ý của Hamas

Chỉ huy quân sự Mohammad Deif của Hamas gọi cuộc tấn công đột ngột ngày 7-10 là "Chiến dịch bão Al-Aqsa", mục đích là trả đũa việc Israel "xúc phạm" đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa ở Jerusalem.

Đền Al-Aqsa là địa điểm linh thiêng xếp thứ ba của đạo Hồi và lại tọa lạc trong thánh địa mà người Do Thái gọi là Núi Đền.

Ông Deif đồng thời cáo buộc Israel đã giết và làm bị thương hàng trăm người Palestine trong năm nay.

Tuy nhiên, mục đích của Hamas có thể không dừng lại ở đó.

Theo đánh giá ban đầu của giới chức Mỹ, thời điểm xảy ra cuộc tấn công của Hamas có liên quan đến các dấu hiệu cho thấy Ả Rập Saudi và Israel "có thể sắp đạt được thoả thuận bình thường hoá quan hệ" theo thỏa thuận 3 bên giữa Mỹ - Ả Rập Saudi - Israel. Đổi lấy việc Ả Rập Saudi và Israel làm hòa là Washington sẽ cung cấp một số bảo đảm an ninh cho Riyadh.

Sau cuộc tấn công ngày 7-10-2023, cả Hamas và phong trào Hezbollah (Lebanon) đều nói rằng cuộc tấn công này là lời cảnh báo đối với bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào muốn bình thường hóa quan hệ với Israel.

Hamas và cơn ác mộng đen tối nhất của Israel - Ảnh 8.

Hệ thống phòng thủ của Israel đánh chặn tên lửa phóng từ Dải Gaza hôm 8-10. Ảnh: Reuters

Israel đáp trả đến đâu?

Việc Israel trả đũa Hamas được cho là sẽ vô cùng phức tạp bởi các con tin Israel đang bị cầm giữ trong các đường hầm ở dải Gaza và các địa điểm khác.

Đồng thời, Israel quan ngại sâu sắc về sự leo thang căng thẳng trên các mặt trận khác - Hamas và các lực lượng thánh chiến ở Bờ Tây; Hezbollah đã triển khai dọc biên giới với Lebanon và được trang bị nhiều tên lửa.

Vấn đề quyết định chiều hướng cuộc khủng hoảng chính là liệu Hezbollah sẽ đứng ngoài cuộc hay điều động lực lượng tấn công Israel. Nếu Hezbollah tham gia thì đây có thể trở thành một trong những cuộc giao tranh khốc liệt nhất trong khu vực nhiều năm trở lại đây.

Ngày 8-10, Reuters cho biết Hezbollah và lực lượng Israel đã đấu pháo và rốc-két nhưng chưa có báo cáo về thương vong.

Phía Hezbollah xác nhận bắn rốc-két dẫn đường và pháo vào khu vực Shebaa Farms do Israel kiểm soát từ năm 1967 để "thể hiện tình đoàn kết" với người dân Palestine. Đáp lại, quân đội Israel bắn pháo vào một khu vực của Lebanon, nơi "phát động hỏa lực xuyên biên giới".

Phản ứng quốc tế

- Các nước Ả Rập

Bộ Ngoại giao Ả Rập Saudi hôm 7-10 kêu gọi chấm dứt bạo lực ngay lập tức trong khi Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất kêu gọi ngừng bắn tức thì và gửi lời chia buồn đến tất cả nạn nhân trong cuộc xung đột.

Bộ Ngoại giao Ai Cập cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng và kêu gọi các bên kiềm chế tối đa. Ai Cập đóng vai trò là trung gian hòa giải chính trong cuộc xung đột Israel - Palestine.

- Mỹ

Mỹ bày tỏ tình đoàn kết với Israel, đồng minh lâu năm của nước này. Ngay sau khi xảy ra các cuộc tấn công, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh rằng sự hỗ trợ của chính quyền ông dành cho Israel là "vững chắc và không lay chuyển".

Anh, Pháp cũng lên án cuộc tấn công của Hamas và bày tỏ tình đoàn kết với Israel.

- Nga, Trung Quốc:

Bộ Ngoại giao hai nước này cùng kêu gọi lập tức ngừng bắn, chấm dứt bạo lực, kiềm chế và thiết lập đàm phán về giải pháp 2 nhà nước với sự hỗ trợ của quốc tế nhằm xây dựng một nền hòa bình toàn diện, bền vững ở Trung Đông.

- Việt Nam

Ngày 8-10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, không có các hành động làm phức tạp tình hình, sớm nối lại đàm phán giải quyết các bất đồng thông qua biện pháp hoà bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đảm bảo an toàn và các lợi ích chính đáng của thường dân.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Giáo dục thủ đô
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Hamas và "cơn ác mộng" đen tối nhất của Israel