Loài này "thích di chuyển" đến mức chúng có thể bơi xa tới 2.600km (gần bằng khoảng cách từ Hà Nội đến Singapore) để kiếm ăn.
Khi muốn ra khỏi vỏ, rùa xanh non dùng đến "răng trứng". Ảnh: WWF
Rùa xanh dành phần lớn cuộc đời ở dưới nước. Khi sinh nở, chỉ có con cái quay trở lại đất liền để làm tổ và đẻ trứng. Với dung tích phổi đáng kinh ngạc, rùa xanh có thể ở dưới nước liên tục 5 tiếng mà không cần ngoi lên mặt nước để lấy dưỡng khí. Kỷ lục của con người khi lặn lâu nhất mà không cần bình dưỡng khí là dưới 25 phút.
Khi rùa xanh cái trưởng thành (20-35 tuổi) và sắp đẻ, chúng thích trở lại bãi biển nơi chúng được sinh ra. Khi đến đây, chúng đào hố trên cát rồi sau đó đẻ trứng.
Theo trang web của WWF, rùa xanh sinh ra là đực hay cái phụ thuộc vào sức nóng của cát ấp trứng. Đây là kiểu xác định giới tính đặc trưng của các loài bò sát và lớp cá xương thật. Nếu nhiệt độ trên 29,1 độ C, rùa non sẽ là con cái và ngược lại.
Rùa xanh hình thành trong trứng với một chiếc răng, gọi là "răng trứng". Khi đến thời điểm muốn chui ra, chúng dùng chiếc răng này để phá vỏ rồi bò xuống biển.
Rùa xanh sống rất thọ so với tuổi đời của con người. Theo WWF, trung bình loài này sống ít nhất 70 năm. Nhiều con sống gấp đôi con số trung bình.